Hàng trăm dự án “ma” hoành hành
Sáu tháng đầu năm nay, tại TP Hồ Chí Minh hiện tượng rao bán dự án “ma” xuất hiện dày đặc, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ công khai. Ở các quận 7, quận 9, Bình Tân, Thủ Đức, Huyện Hóc Môn…dự án “ma” xuất hiện nhan nhản, bùng phát giao dịch trên diện rộng kéo theo tình trạng lừa đảo xuất hiện khắp nơi.
Có thể kể đến như trường hợp 9 khu đất tại quận Bình Tân ở 6 phường An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A. Điểm chung của các khu đất này đều được quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất là đang phân lô trái phép, không hề có pháp lý. Thậm chí, một số trường hợp chủ sử dụng đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác nhưng vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất dẫn đến phát sinh tranh chấp.
Hay như trường hợp phường Thạnh Xuân (quận 12) bỗng nổi tiếng bất đắc dĩ sau khi quận công bố “danh sách đen” tại phường này có đến 10 điểm phân lô bán nền trái phép. Người dân tự ý san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường cống thoát nước, điện) và tự phân lô bán nền trái pháp luật.
Chính quyền Thị Trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân treo biển cảnh báo cho người dân không mua các dự án "ma". |
Mới đây vào ngày 6/7, UBND phường Trường Thạnh, quận 9 ra thông báo trong tháng 6 tiếp nhận thông tin về việc phân lô, mua bán đất nền trên giấy có dấu hiệu lừa đảo tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu trên địa bàn phường.
Theo ghi nhận của PV, tại quận Thủ Đức cũng đang tồn tại nhiều doanh nghiệp tự tổ chức mua bán đất nền, có dấu hiệu lừa đảo ở khu đất tại tổ 5, khu phố 6, phường Linh Trung. Tương tự, tại huyện Hóc Môn hàng chục khu đất nông nghiệp, công viên bị các đầu nậu tự phân lô lừa bán.
Theo khảo sát, chỉ tính riêng các dự án “ma” ở huyện Hóc Môn, các đối tượng đã tự ý phân ra ít nhất khoảng 330 nền. Trong đó tại xã Đông Thạnh, có khoảng 260 nền và khoảng 70 nền tại xã Nhị Bình. Ước tính, tổng số tiền do các đối tượng lừa đảo thu của khách hàng lên đến gần 100 tỷ đồng.
Để chiêu dụ, chiếm đoạt tài sản của những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, hàng loạt dự án “ma” được vẽ, rao bán công khai, xem thường pháp luật, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong đó có rất nhiều trường hợp khách khách hàng gom hết tài sản tích cóp và vay mượn thêm để mua đất. Nay tiền mất, đất không xây được nhà, nợ nần chồng chất, nhiều người lâm cảnh trắng tay.
Lan rộng vì xử lý không nghiêm?
Dự án “ma” đã xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua và đang gia tăng, hoạt động phức tạp ở các quận ven, huyện ngoại thành, kéo theo rất nhiều hệ lụy xã hội. Thế nhưng, các giải pháp ngăn chặn từ xa của chính quyền địa phương như phát đi thông báo hoặc cấm biển báo…chưa thật sự hiệu quả, phần lớn chỉ can thiệp khi sự vụ đã xảy ra.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung - Luật sư cao cấp của Công ty Luật Vega cho biết , dự án “ma” là những dự án không có thật hoặc không đầy đủ pháp lý nhưng người bán, kẻ môi giới vẫn vẽ nên một bức tranh hoành tráng để lấy tiền thật của người mua. Đến khi mọi chuyện đổ bể, hậu quả sẽ đổ hết lên người mua cuối cùng.
“Có thể thấy theo luật đất đai, luật xây dựng, luật kinh doanh BĐS, muốn làm được dự án nhà ở thì đầu tiên phải có đất, phải phù hợp quy hoạch, duyệt kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng… Thị trường BĐS vốn rất rõ ràng, chỉ có những người cố ý làm sai và sự buông lỏng trong quản lý của chính quyền địa phương mới khiến dự án “ma” ngang nhiên tồn tại như thế. Lâu nay những sai phạm kiểu này thường chỉ bị xử phạt hành chính, cưỡng chế và điều đó không đủ sức răn đe những người có giả tâm làm bậy thu lợi bất chính”, Luật sư Trung phân tích.
Tuy nhiên, bên cạnh sự lộng hành của giới cò đất, sự buông lỏng của cơ quan chức năng, thì những lỗ hổng về luật cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án "ma" thay nhau "moi" tiền khách hàng mà không bị xử lý.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), Luật kinh doanh BĐS chỉ điều chỉnh những hành vi kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai kể từ khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, Luật không điều chỉnh hành vi trước khi ký. Đây là thiếu sót lớn, vì trước khi ký, những hành vi thỏa thuận, đặt cọc, góp vốn kinh doanh, hợp tác đầu tư không được ký thành hợp đồng mà tồn tại ở dạng văn bản thỏa thuận, được chứng thực thừa phát lại. Việc góp vốn, đặt cọc, hợp tác đầu tư lại là thỏa thuận của Luật dân sự. Nhưng Luật dân sự lại cho rằng giá trị đặt cọc do hai bên tự thỏa thuận. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư, các công ty môi giới lừa người dân đặc cọc vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng một cách vô lý.
Một câu chuyện khác được ông Châu chỉ ra là pháp luật hỗ trợ tư pháp có công nhận thừa phát lại, nhưng lập vi bằng thừa phát lại không phải chứng cớ để làm chủ quyền nhà đất. Nhiều người dân không hiểu nên bị lừa vì cho rằng có vi bằng là có quyền nhà đất.
Ngoài các vấn đề về luật, ông Châu còn chỉ ra thị trường BĐS thiếu minh bạch thông tin quy hoạch, dự án đầu tư, tiến độ, dự án thế chấp, đủ điều kiện huy động vốn và việc chuyển đổi huyện lên quận hay các dự án lớn, dự án phát triển hạ tầng…
"Sự thiếu minh bạch này vô tình tiếp tay cho những công ty BĐS bất lương lợi dụng để trục lợi, vì vậy không còn cách nào khác là chính quyền phải công khai tất cả", ông Châu kiến nghị.