Đại diện Bộ Tài chính nói đề xuất thuế tài sản vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và khi nào hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ thông tin rộng rãi với báo chí và nhân dân. Còn theo các chuyên gia đề nghị, chỉ nên đánh thuế tài sản từ 5 tỉ đồng trở lên.
Bà Lê Thị Mai Liên, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thành viên nhóm nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, vừa cho hay: Ngưỡng đánh thuế đối với nhà vẫn chưa chốt sẽ theo giá trị thị trường hay giá trị xây dựng, hoặc theo diện tích. Song nhà có giá trị xây dựng 700 triệu đồng đã được loại bỏ, không còn nêu trong nội dung dự án Luật Thuế tài sản.
Điều này có nghĩa cơ quan soạn thảo đã bỏ ngưỡng đánh thuế nhà mức 700 triệu đồng và đang xây dựng dự thảo mới.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nói: “Cần phải minh định bản chất luật thuế này cũng như ngưỡng phải chịu thuế và thuế suất”.
Theo Luật sư Đức, nguyên tắc đầu tiên của sắc thuế này là: Không thể đánh vào mọi tài sản mà chỉ đánh vào loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu (đối với đất là quyền sử dụng). Thứ hai là đối với tài sản có giá trị tương đối lớn, hay nói nôm na là không đánh vào nhà nghèo mà chỉ đánh vào nhà giàu. Thứ ba là đánh vào người có khả năng nộp thuế.
Vì vậy, nếu chỉ đánh thuế vào nhà, đất thì nên tổng hợp toàn bộ giá trị nhà, đất theo giá thị trường mà một cá nhân sở hữu để đánh thuế. Mức khởi điểm, theo tôi từ 5 tỉ đồng là hợp lý. Mức này cao gấp nhiều lần so với đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính trước đó.
Trước đó, trung tuần tháng 4-2018, Bộ Tài chính đã họp báo công bố đề xuất nghiên cứu dự án Luật Thuế tài sản với đề nghị sẽ đánh thuế đối với nhà có giá trị xây dựng 700 triệu đồng, thuế suất 0,3%-0,4%. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau từ công luận.