Theo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước , vào những ngày cuối tháng 2, dịch cúm gia cầm bùng phát tại trang trại của gia đình anh Nguyễn Thành Biên (thôn 4, xã Tiên Thọ).
Anh Biên cho hay, trước khi có dịch, gia đình nuôi 5.000 con gà thả vườn, gồm 3 lứa: 4 tháng tuổi, 50 ngày tuổi, 40 ngày tuổi. Ban đầu, một số con gà trong đàn gia cầm của anh Biên có dấu hiệu ủ rũ rồi chết dần, anh nghĩ đàn gia cầm bị dịch tả thông thường nên chỉ cho gà uống các loại thuốc giải độc, cho đến khi gửi mẫu đi xét nghiệm thì mới phát hiện đàn gà bị nhiễm cúm AH5/N6.
“Kết quả xét nghiệm có hồi cuối tháng 2. Để phòng tránh dịch lây lan, tôi đã phối hợp với các ngành chức năng tiêu hủy 5000 con gà mới chưa đầy 2 tháng tuổi”, anh Biên nói.
Gà bị chết tại gia đình anh Biên.
Sau khi anh Biên báo với chính quyền địa phương, lực lượng thú y xã đã đến lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người dân khoanh vùng dập dịch. Kiểm tra các hộ nuôi xung quanh, lực lượng thú y phát hiện thêm ổ dịch tại hộ chị Đặng Thị Mỹ La, tổng đàn gồm 2.200 con gà, vịt.
Theo chị La, đàn gia cầm của chị gồm 2 lứa: 4 tháng, 3 tháng tuổi và không có dấu hiệu bị bệnh. Tuy nhiên, khi cơ quan thú y đến lấy mẫu xét nghiệm mới phát hiện đàn gà dương tính với cúm A/H5N6. “Khi phát hiện đàn gia cầm gồm gà và vịt hơn 2 nghìn con dương tính với cúm A/H5N6, tôi đã tự nguyện tiêu hủy. Như vậy, toàn bộ số vốn 250 triệu đồng đầu tư vào đàn gà và vịt coi như mất trắng”, bà La ngậm ngùi giãi bày.
Trước tình hình dịch cúm A/H5N6 có nguy cơ lan trên diện rộng, ông Huỳnh Minh Được - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước cho biết, các lực lượng chức năng đã lập chốt chặn nhằm không để gia cầm ở địa phương tuồn ra bên ngoài.
“Hiện, chúng tôi đã chuẩn bị hơn 10.000 liều vắc xin phòng chống dịch. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ tổ chức tiêm phòng các đàn gia cầm cho những hộ dân gần 2 ổ dịch trên” - ông Được thông tin thêm.
Theo Bộ Y tế bệnh Cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A (H5N6) gây ra, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như: gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt bệnh Cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong.
Vì thế, để phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N6 từ gia cầm sang người, Bộ Y tế yêu cầu cơ quan thú y và chính quyền địa phương xử lý triệt để ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc, tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ.
Năm 2018, 8 chủng virus này được phát hiện trên gia cầm ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện chủng virus cúm A/H5N6 trên gia cầm.
Chủng virus này từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Đáng lo ngại là kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gien của các mẫu virus cúm A/H5N6 phát hiện ở Việt Nam cho thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng virus cúm A/H5N6 gây tử vong đầu tiên trên người tại Tứ Xuyên. Vì thế, việc theo dõi, giám sát diễn biến của chủng virus mới cần được thực hiện chặt chẽ.