Uống nước đun bằng ấm điện trong thời gian dài có thực sự gây ung thư?
Nhiều người cho rằng ấm siêu tốc được làm bằng thép có hàm lượng mangan cao, loại kim loại nặng này có thể được giải phóng khi đun nước ở nhiệt độ cao. Thường xuyên uống nước có chứa mangan sẽ dẫn đến suy giảm trí nhớ, ung thư phổi, ung thư da,…
Trên thực tế, mangan là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người, nếu cơ thể thiếu mangan sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh. Vì vậy, mangan không phải là chất độc, cơ thể cũng cần nhưng đương nhiên nhu cầu này cũng có giới hạn.
Nếu vượt quá giới hạn cơ thể cần thì sẽ gây ngộ độc kim loại. Do đó, điều cốt yếu là xem uống nước đun sôi bằng ấm siêu tốc có khiến chúng ta hấp thụ mangan dư thừa hay không.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Với một người trưởng thành nặng 60 kg, lượng mangan tối thiểu cần thiết cho cơ thể trong một ngày là 4,5 mg, tối đa không được quá 11 mg. Tại Trung Quốc, lượng mangan nạp vào cơ thể hàng ngày từ khẩu phần ăn của mỗi người là 6,8 mg.
Về ấm siêu tốc, hầu hết các loại ấm điện bán trên thị trường đều được làm bằng thép hợp kim, chứa hàm lượng mangan rất nhỏ. Hơn nữa, thép hợp kim có độ bền cao, khả năng chịu nhiệt tốt nên mangan không dễ dàng bị kết tủa ngay cả khi đun nóng.
Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian lâu dài thì nguyên tố mangan vẫn có thể kết tủa vào nước uống đun từ ấm siêu tốc. Nhưng hàm lượng này cực kỳ nhỏ, chưa đến 0,1mg/lít nước.
Nếu uống 2 lít nước mỗi ngày, lượng mangan hấp thụ tối đa chỉ là 0,2 mg. Do đó, ngay cả khi nạp mangan thông qua thực phẩm hàng ngày cộng với mangan thu được từ nước đun bằng ấm siêu tốc thì hàm lượng này vẫn ít hơn nhiều so với hàm lượng có thể gây ngộ độc. Vì vậy, bạn không phải lo lắng về việc uống nước đun bằng ấm siêu tốc trong thời gian dài sẽ gây hại cho sức khỏe.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Thanh Đảo (Trung Quốc) đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với ấm điện từ 30 hộ gia đình, cũng như các mẫu nước từ nước máy, nước mưa và 14 ấm điện mới từ trung tâm mua sắm, bao gồm thép không gỉ thông thường và thép không gỉ 304.
Kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng của các kim loại như niken và sắt không thay đổi đáng kể ở bất kỳ nhãn hiệu, giá cả hay chất liệu nào, dù là ấm điện cũ hay mới, trước khi đun và sau khi đun trong 12 giờ. Nói cách khác, hầu hết các ấm điện trên thị trường về cơ bản là an toàn. Tuy nhiên, nước sử dụng để đun đủ tiêu chuẩn là bạn có thể yên tâm sử dụng sau khi đun sôi.
Những lưu ý khi sử dụng nước ấm điện
Chọn mua ấm siêu tốc
Mặc dù ấm siêu tốc tương đối an toàn, nhưng những loại ấm siêu tốc được làm từ vật liệu kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của sản phẩm cũng như sức khỏe của người sử dụng. Chính vì vậy cần xem xét thật kĩ lưỡng chất liệu của ấm trước khi mua.
Không sử dụng cho mục đích khác ngoài đun nước
Công dụng chính của ấm đun siêu tốc là đun nước uống, vì thế bạn không nên dùng nấu sữa, canh, súp…để giữ cho máy luôn được bền bỉ và bảo vệ sức khỏe của bạn.
Vệ sinh thường xuyên
Cần vệ sinh ấm thường xuyên, đặc biệt là phần cặn bẩn đọng lại sau mỗi lần đun.
Không nấu nước liên tục
Nhiều người đã sai lầm khi cho rằng nấu nước liên tục sẽ tiết kiệm được nhiên liệu khi ấm đang nóng sẵn. Nấu nước liên tục khiến cho mâm nhiệt của ấm quá nóng, dẫn đến bị cháy rất nhanh.
Tốt nhất, hãy để ấm có một khoảng thời gian nghỉ giữa các lần đun để mâm nhiệt bên dưới nguội bớt.
Làm thế nào để làm sạch ấm siêu tốc?
Trong quá trình sử dụng ấm điện để đun nước, nếu phát hiện thành bên trong của ấm điện có vết rỉ sét thì phải loại bỏ ngay lập tức. Lý do là vì những chất này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quá trình đun sôi nước mà còn tạo ra một số nguyên tố không có lợi đối với cơ thể con người.
Khi cặn bẩn hình thành trên thành trong của ấm điện, nó rất khó loại bỏ bằng các phương pháp cọ rửa thông thường và phải sử dụng một số nguyên liệu sau:
Giấm ăn
Các thành phần chính của cặn bẩn là canxi sunfat và canxi bicacbonat, cả hai đều phản ứng với giấm và trở thành các chất hòa tan trong nước. Ngoài ra, giấm là một loại gia vị phổ biến trong bếp, nên dùng giấm để vệ sinh ấm siêu tốc là một phương pháp rất đơn giản và dễ thực hiện.
Với cách này, bạn chỉ cần lấy một lượng giấm ăn vừa đủ đổ vào ấm điện, cho thêm một lượng nước thích hợp rồi đun sôi. Sau đó, bạn cứ để qua một đêm, hôm sau dùng miếng rửa bát chà nhẹ, các vết cặn bẩn bám trên thành ấm sẽ biến mất.
Bột baking soda
Ngoài giấm, baking soda cũng là một lựa chọn tốt. Baking soda có tính kiềm và cũng có thể giúp hòa tan cặn bẩn bám trên thành ấm. Phương pháp cụ thể tương tự như cách làm với giấm.