Thời gian gần đây, thấy tình trạng tiền điện tăng cao, nhiều người bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm tiết kiệm điện. “Thiết bị tiết kiệm điện” được quảng cáo có khả năng giảm từ 20-50% hóa đơn tiền điện hàng tháng cho những người sử dụng. Những thiết bị này được cho là “lợi dụng” tâm lý muốn tiết kiệm chi phí tiền điện của người tiêu dùng trong những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cao.
Theo quảng cáo trên các trang mạng xã hội, nếu sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng, người dùng có thể giảm được từ 20 - 50% tiền điện hàng tháng. Giá của thiết bị này được rao bán từ khoảng 90 nghìn đồng đến 2 triệu đồng tùy mẫu. Điều đặc biệt là phần lớn các thiết bị tiết kiệm điện năng đều được bán qua đường online (giao/ship), như một cách để tránh rủi ro mà các chủ hàng thực hiện.
Thiết bị tiết kiệm điện được rao bán trên mạng.
Thấy tình trạng tiền điện tăng cao, chị Lan (Ngụ Quận 3, TP Hồ Chí Minh) bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm tiết kiệm điện. Theo chị, hàng tháng trung bình gia đình chị hóa đơn tiền điện rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng nhưng vào tháng 5, tiền điện của gia đình tăng thêm 500.000 đồng.
“Tháng vừa rồi gia đình tôi có sử dụng điều hòa nhiều hơn nên tiền điện tăng khá nhiều. Nghe nói có thiết bị tiết kiệm được 20-50% điện, nên tôi tìm hiểu và đặt mua 1 cái giá 300.000 đồng, mỗi tháng giúp tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng cũng đáng giá lắm", chị Lan háo hức chia sẻ.
Trong vai một người mua hàng, PV đã tìm đến một website để mua thiết bị tiết kiệm điện năng. Theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng, trong thiết bị tiết kiệm điện năng mà họ cung cấp có 1 tụ bù công suất, giúp tăng hiệu số công suất và tối ưu điện năng thừa, không hao phí điện năng, ổn định dòng điện. Do đó, điện năng tiêu thụ sẽ giảm từ 20 đến 50% khi sử dụng thiết bị.
Nhân viên này cho biết, cách sử dụng khá đơn giản khi chỉ cần cắm thiết bị vào bất kỳ ổ điện nào trong nhà cũng có thể phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, dù trong nhà có nhiều thiết bị điện được sử dụng đi chăng nữa thì chỉ cần một thiết bị tiết kiệm điện năng là đủ để giảm đi chi phí điện hàng tháng (áp dụng đối với trường hợp dùng 1 công tơ điện). Khi được hỏi về nguồn gốc của sản phẩm do đâu mà có, nhân viên này chỉ nói chung chung rằng sản phẩm là hàng Việt Nam sản xuất theo công nghệ của nước ngoài, chủ yếu là Đức. Thậm chí, sau khi khẳng định hàng hóa của mình là chất lượng, nhân viên tư vấn nêu trên còn nói nếu mua với số lượng lớn, khách hàng sẽ được giảm giá sản phẩm.
Trên thực tế, đã có không ít những trường hợp các thiết bị tiết kiệm điện năng bị người tiêu dùng và chuyên gia “vạch trần” bởi công dụng của những sản phẩm này hoàn toàn khác xa với những công dụng một cách "thần thánh" mà các trang mạng xã hội quảng cáo.
Chung cảnh ngộ, chị Phương – chủ tiệm kinh doanh cửa hàng tạp hóa nhỏ cũng “đau đầu” vào những tháng nắng nóng vì hóa đơn tiền điện tăng cao. Cửa hàng tạp hóa của chị sử dụng điều hòa và các thiết bị thắp sáng.
“Cửa hàng hay có người ra người vào nên điều hòa phải hoạt động nhiều, các tháng nóng cao điểm thì tiền điện cứ phải từ hai đến ba triệu”, chị Phương nói.
Nên chị tìm mua một sản phẩm được quảng cáo là tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo dõi đồng hồ điện hàng ngày, chị khẳng định không có việc điện năng tiêu thụ giảm đi.
“Không chỉ tôi mà nhiều người quen khác cũng từng mua sản phẩm này. Đến nay thì cũng chỉ bỏ đó thôi, chẳng có tác dụng gì. Tôi có gọi điện cho bên bán hàng thì họ không nhận trách nhiệm, không giải quyết hay hoàn lại tiền” chị Phương nói thêm.
Thực tế, khi mổ xẻ sản phẩm tiết kiệm điện, các chuyên gia vô cùng bất ngờ khi thấy thiết bị này rất đơn giản và không có gì đặc biệt. Sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led.
Cấu tạo đơn giản bên trong một thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện với giá vài trăm nghìn.
Quá trình thí nghiệm cho thấy, thiết bị tiết kiệm điện khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm lượng điện năng tiêu thụ của tải. Việc này đẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ). Như vậy có thể hiểu, thiết bị tiết kiệm điện thực chất chỉ là một cách “quảng cáo” tâng bốc của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm nhanh hơn.
Trang thông tin điện tử của EVN cũng từng cảnh báo người dân về các sản phẩm tiết kiệm điện này. Thực tế, không có sản phẩm nào chỉ cần cắm vào hệ thống điện trong gia đình lại có thể giảm tới 30-40% tổng điện năng tiêu thụ.
Ông Đặng Trần Chuyên (Trung tâm Điện tử Viễn thông, Viện Nghiên cứu Điện tử) cho biết: “Có thiết bị dùng để hỗ trợ giảm điện năng tiêu thụ nhưng mức giảm chỉ 1-5% trong điều kiện tối ưu, áp dụng với các thiết bị có công suất nhỏ như quạt thường không có điều khiển”.
Cũng theo ông Chuyên, các thiết bị tiết kiệm điện trên thị trường được bán với giá từ vài trăm nghìn, cấu tạo đơn giản, không thể giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ nhiều như quảng cáo.
Thay vì tin tưởng những sản phẩm tiết kiệm điện chưa được xác minh công dụng, người dân nên áp dụng các biện pháp tiết giảm điện năng tiêu thụ trong gia đình.