Trước thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc sử dụng địa long (giun đất) để điều trị Covid-19, ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay, Cục quản lý Y Dược cổ truyền chưa cấp số đăng ký thuốc cổ truyền nào có thành phần địa long có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của địa long.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, việc một số người, nhất là người của công chúng lan truyền các thông tin, cách chữa bệnh Covid-19 chưa được kiểm chứng là hành vi vô cùng nguy hại đối với cộng đồng.
Lan truyền hướng dẫn uống giun đất tươi sống trực tiếp để hỗ trợ điều trị Covid-19 là phản khoa học, có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe, cũng như tính mạng của người dân.
Theo y học cổ truyền, giun đất tươi sống phải được chế biến, bào chế theo đúng phương pháp để loại bỏ độc tố, cũng như ký sinh trùng, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới trở thành vị thuốc địa long để sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Làm rõ hơn về thông tin dùng giun đất để chữa Covid-19, Thầy thuốc nhân dân Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, địa long là giun đất, trong nông nghiệp là một sản phẩm được chế biến làm thức ăn cho chăn nuôi.
Trong đông y, giun đất được chế biến làm thuốc được gọi với tên vị thuốc là địa long có tác dụng chính là phòng chống co giật, hạ sốt, điều trị khó thở trong các trường hợp hen phế quản, trị co giật trong bệnh động kinh, giúp huyết lưu thông tốt hơn, giảm đau nhức.
Hiện nay, các thầy thuốc đông y sử dụng địa long trong điều trị, nhưng không dùng đơn thuần một vị thuốc địa long mà tùy theo thể bệnh, tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, giai đoạn bệnh mà chúng tôi kết hợp vị thuốc địa long với các vị thuốc khác để điều trị.
Về tác dụng của địa long đối với Covid-19 hiện chưa có bất kỳ một nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chứng minh.
Thực tế lâm sàng điều trị, các thầy thuốc đông y thường hay dùng địa long điều trị khó thở trong hen suyễn. Địa long có trong thành phần bài thuốc điều trị hen nhưng còn kết hợp thêm các vị thuốc khác như cam thảo, cát cánh, trần bì.
Về bản chất, địa long có tác dụng đối với cơ trơn phế quản, làm giảm co thắt cơ trơn phế quản. Trong khi bệnh lý Covid-19, bệnh nhân bị viêm phổi, các phế nang cùng tiểu phế quản bị viêm, gây đông đặc phổi, làm phổi mất chức năng, dẫn đến khó thở và giảm bão hòa oxy máu chứ không phải chỉ là bệnh lý co thắt phế quản như trong hen suyễn.
Do vậy bản chất hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Vì vậy không nên tùy tiện sử dụng mà cần có những nghiên cứu, đánh giá bài bản, khoa học về tác dụng của địa long đối với bệnh Covid-19. Hơn nữa, ngày nay không ai sử dụng địa long sống để điều trị và chưa có bằng chứng rõ ràng về tác dụng của địa long sống nên tôi khuyến cáo người dân không được nuốt địa long sống.
Cùng với đó, do môi trường sống trong đất chứa nhiều vi khuẩn nên khi nuốt sống địa long các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa gây ra các bệnh lý về tiêu hóa cho người dùng.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết thêm địa long cũng chỉ là 1 vị thuốc đông y có nhiều protein. Chúng được dùng trong 1 vài bệnh/chứng trong đông y. Tuy nhiên, địa long không phải thần dược, nó rất bẩn và càng không có tác dụng chữa Covid-19 như lời đồn thổi.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, sản phẩm thuốc theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh "tiền mất, tật mang".