Kinh hãi thạch đóng váng trong thùng cáu bẩn
Lâu nay, thạch đen (hay còn gọi là sương sáo) là một món nằm trong “danh sách đen” của nhiều người tiêu dùng. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của món ăn này khiến nhiều người phải rùng mình. Tuy vậy, vì thạch đen dễ ăn, lại được kết hợp với nhiều thức uống bổ dưỡng khác nên có những khi mối nguy cơ thực phẩm bẩn này bị coi nhẹ.
Trên group Hội làm cha mẹ, một thành viên có tên Thiên Bình chia sẻ việc bất chợt “bắt quả tang” người đàn ông vận chuyển thạch đen đến các cơ sở bán lẻ. Vấn đề ở chỗ, thạch đen được đựng trong 5 xô sắt mà nhìn chẳng khác nào… xô nước thải. Chủ tài khoản này còn mạnh dạn nhận định “bị chuột mò vào khoét ăn nham nhở” khi trên bề mặt xô nước đen nổi váng ấy là những vết loang lổ. 5 xô thạch đen bám đầy cáu bẩn, chở trên đường bụi bẩn mà chẳng hề được che đậy hay các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm khác.
Lời cảnh báo trên Facebook nhận được sự quan tâm của nhiều người. |
Ngay lập tức, hình ảnh này nhận được sự chú ý đặc biệt từ các bậc làm cha làm mẹ với hàng nhìn lượt thích và phản hồi bình luận rôm rả. Nhiều người chia sẻ, họ vẫn đang thường xuyên mua thạch đen về cho cả gia đình, đặc biệt đây lại là món khoái khẩu của lũ trẻ nhỏ. Một số ớn lạnh nghĩ đến số thạch đen đã đi vào dạ dày của mình, bao nhiêu lần ăn thạch đen là bấy nhiêu lần cơ thể tiếp nhận các chất độc hại, bụi bẩn.
Những nguy cơ từ thạch bẩn
Tại các chợ, quán chè, tào phớ hay quán giải khát, thạch đen được bán rất nhiều bất kể mùa hè hay mùa đông. Chị Thu Thuỷ, bán tào phớ ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, HN) cho biết, khoảng 2 tuần lại lên chợ Đồng Xuân lấy thạch một lần. “Thạch đen để được lâu nên rất hiếm khi hỏng. Thạch mua theo xô cả chục kg, mỗi kg có thể làm được 50-60 cốc chè, tào phớ”. Sau khi nhập hàng vào chợ, người chủ quán dùng tay không tách thạch khỏi vỏ và cho vào túi nylon. Mỗi túi thạch được đóng gói trong thùng carton để bán cho khách sỉ lẻ.
Những xô thạch cáu bẩn được vận chuyển tới điểm bán. |
Nhưng đấy chỉ là bề nổi, nguồn gốc của những xô thạch đen mới thực sự là nỗi kinh hoàng đối với người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất thạch của được xây dựng tạm bợ, lụp xụp và chỉ rộng vỏn vẹn tầm 20m2. Nước bẩn lênh láng trên nền xưởng và chảy xuống cả mặt đường. Đầu hẻm là dòng mương bốc mùi hôi hám. Rác thải, củi gỗ chất ngổn ngang như bãi rác công cộng.
Theo các chuyên gia, thạch đen có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ protein trong cơ thể. Đối với trẻ em, sử dụng thạch đen quá nhiều làm giảm khả năng thèm ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng. Thêm nữa, với quy trình sản xuất bẩn cộng thêm nơi bày bán kém vệ sinh, thạch đen trở thành ổ vi khuẩn nguy hiểm, khi ăn, nguy cơ tiêu chảy, ngộ độc không phải hiếm. Ngoài ra, với việc sử dụng hóa chất, nếu ăn nhiều, các chất này tích tụ trong cơ thể và sinh độc tố. Chính vì vậy, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ khi ăn thạch đen ngoài chợ, vỉa hè.