Đây là nội dung trong Nghị định 41 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, lĩnh vực thú y, giống vật nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vừa được ban hành và có hiệu lực ngày 20-5-2017.
Điều 36 của Nghị định 41 quy định về hành vi sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Theo đó, số tiền phạt có thể lên tới 100 triệu đồng đối với hành vi trên.
Đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà không sản xuất thì mức phạt dao động từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Salbutamol, chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi heo |
Còn đối với việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, theo nghị định này, hành vi vi phạm trong sản xuất, gia công, kinh doanh sản phẩm thức ăn chăn nuôi có sử dụng loại kháng sinh không đúng như đã công bố theo quy định hoặc ghi trên nhãn hàng hóa có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, các cơ sở vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ 6 tháng tới 1 năm trong một số trường hợp. Hoặc, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi buộc phải khắc phục hậu quả như tiêu huỷ thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Đối với các cơ sở chăn nuôi phải tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi sử dụng chất cấm tới khi không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ. Buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm.
Nghị định 41 cũng áp dụng xử phạt với hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém. Theo đó, đơn vị nhập khẩu sẽ bị phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm. Phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng với hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…. Đồng thời, đơn vị nhập khẩu phải có biện pháp khắc phục như tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu không khắc phục được thì có thể bị buộc tái xuất hoặc tiêu hủy…
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước đã lấy 973 mẫu nước tiểu và 52 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ để xét nghiệm chất cấm Salbutamol. Kết quả: không phát hiện mẫu dương tính với Salbutamol, một chất cấm trong chăn nuôi.
Đồng thời, tính đến thời điểm 19-4, trên phạm vi toàn quốc đã có 62/63 tỉnh, thành phố (thiếu Kon Tum) xây dựng 557 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 227 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.