Thứ 2, 25/11/2024, 20:57 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Rượu bán khắp nơi, giá rẻ ngang một chai nước lọc

Rượu bán khắp nơi, giá rẻ ngang một chai nước lọc
(Tieudung.vn) - Thực tế hiện nay, những chai, những can rượu trắng không nhãn mác, cơ sở sản xuất hiện được bày bán ở khắp nơi, từ quán hàng ăn vỉa hè, quán cơm, quán ốc… thậm chí vào cả các nhà hàng từ thành phố tới các vùng nông thôn.

Các vụ ngộ độc rượu có Methanol liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây và mức độ nghiêm trọng của các ca ngộ độc đã làm dấy lên câu hỏi về chất lượng rượu sản xuất trong nước và công tác quản lý ngành cồn rượu của Việt Nam.

Mô tả ảnh
Sản phẩm rượu thủ công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

10.000 đồng một lít rượu trắng

Những tháng gần đây, sau một số vụ việc người dân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc gây ra ngộ độc rượu dẫn tới các trường hợp tử vong liên tiếp tại tỉnh Lai Châu và thủ đô Hà Nội đã gây bức xúc trong dư luận.

Bàn luận về việc sử dụng rượu, phó giáo sư Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết, rượu bia là một thức uống cần có trong cuộc sống và trở thành một nét văn hóa với người dân Việt Nam. Hiện nay, tình trạng là hầu như nhà hàng, quán ăn nào cũng đều có bán các loại rượu không nhãn mác, rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ với các tên gọi như “rượu quê”, rượu “quốc lủi,” rượu “nút lá chuối”…

Về chất lượng của các loại rượu, theo thống kê của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, có tới hơn 80% rượu trong dân hiện nay là rượu không nhãn mác.

Theo tiến sỹ Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và (Bộ Công Thương), những vụ ngộ độc rượu do Methanol không phải do rượu truyền thống. Ông Cường chỉ rõ, dù qua quá trình chưng cất rượu truyền thống có thể sinh ra một lượng Methanol nhưng nó không đủ để gây ngộ độc cho người sử dụng. Nguyên nhân của tình trạng ngộ độc và tử vong hàng loạt thời gian gần đây là do việc sử dụng cồn công nghiệp có chủ đích trong sản xuất rượu.

Mô tả ảnh
Tiến sỹ Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)

Ông Cường dẫn chứng thẳng thắn: “Thực tế, rượu không chỉ chứa Methanol mà còn chứa chất Andehit gây hại. Song, trong quá trình khảo sát, nhiều địa phương có nơi bán rượu chỉ bán với giá 10-12.000 đồng/lít. Với mức giá đó thì giá bán rượu trắng như giá của 1 lít nước lọc. Vì vậy, nếu người bán không pha chế thì không có mức giá như trên.”

Phân tích về nguyên nhân của những ca tử vong do rượu trong thời gian qua, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) dẫn chứng, các đây 4-5 năm, từ vụ ngộ độc tử vong do rượu có Methanol ở Bình Định và ở Tây Nguyên đầu tiên. Khi đó, có 5 người tử vong. Qua công tác điều tra cho thấy, có một thanh niên mang can rượu ở nơi khác đến bán cho những cửa hàng nhỏ lẻ. kiểm nghiệm cho thấy, loại rượu đó là cồn công nghiệp pha với nước lã. 

Ông Long phân tích thêm, các vụ tử vong do rượu trong thời gian từ đầu năm đến nay được xác định đa số là do cồn Methanol pha với nước, điển hình như một số vụ ngộ độc rượu vừa xảy ra tại Lai Châu và Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm: Ngộ độc rượu – Thực trạng và giải pháp tổ chức gần đây, nhiều ý kiến đặt vấn đề của các đại biểu cho rằng: từ xưa đến nay người dân vẫn có thói quen uống rượu nấu như vậy tại sao không ngộ độc Methanol mà gần đây lại tăng mạnh?

Lý giải về vấn đề trên, ông Việt nhấn mạnh, các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy từ đầu năm 2017 tới nay đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân sử dụng các loại rượu tự pha chế với cồn công nghiệp, không rõ nguồn gốc, không phải cứ rượu tự nấu là gây ngộ độc. Các loại rượu tự pha chế trên có chứa Methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp lượng Methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần.

1 lít rượu: Hơn nửa hàm lượng là Methanol

Những thông tin kiểm nghiệm về chất lượng rượu của cơ quan chức năng trong thời gian gần đây khiến nhiều người bàng hoàng, giật mình bởi những hóa chất độc hại có trong rượu cao ngất ngưởng và ở mức cực kỳ nguy hại.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) dẫn chứng, một số trường hợp rượu có Methanol vượt giới hạn cho phép như: Sở Y tế Hà Nội công bố mẫu rượu được lấy từ 2 chai rượu trắng pha cẩm ở hàng cơm V.T, số 95 khu giãn dân phường Mộ Lao, Hà Đông cho kết quả có hàm lượng Methanol là 202.475/mg/l vượt tiêu chuẩn 2.000 lần (mức cho phép 100mg/l); mẫu rượu được lấy từ rượu ngâm ở gia đình ông Nguyễn Đình Ch. địa chỉ số 59, tổ 24, phường Khương Đình, Thanh Xuân, có hàm lượng Methanol 89.680mg/l, vượt gần 900 lần.

Tại các tỉnh phía Nam, Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ phát hiện một cơ sở bán rượu tại thành phố Cần Thơ có hàm lượng Methanol vượt gần 700 lần, Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến Sài Gòn Safoco có hàm lượng Methanol trong rượu cao gấp 172 lần.

Điển hình nhất là vụ ngộ độc rượu tại tỉnh Lai Châu xảy ra gần đây, qua công tác kiểm tra của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy lượng Methanol có trong rượu của người dân uống lên tới 556.000 mg/l – vượt mức cho phép hơn 5.000 lần.

“Như kết quả xét nghiệm rượu trong vụ ngộ độc tại Lai Châu vừa xảy ra tháng trước cho thấy lượng Methanol có trong rượu của người dân uống lên tới 556.000 mg/l – như vậy, trong một lít rượu đó có hơn một nửa là Methanol, còn lại là nước. Ơ Hà Nội, qua công tác kiểm tra cũng cho kết quả những loại rượu gây ngộ độc chết người là do Methanol được pha với nước lã và các trường hợp ngộ độc gây tử vong chủ yếu là do Methanol,” ông Nguyễn Hùng Long chỉ rõ.

Theo ông Thịnh, rượu pha Methanol rất nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tương tự như rượu thông thường. Khi vào cơ thể, Methanol được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mắt và não. Phải mất 12 giờ, thậm chí 1-2 ngày sau khi uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê… Khi đó tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Những lỗ hổng trong quản lý cồn công nghiệp

Chưa bao giờ, tình trạng số người tử vong vì rượu xảy ra dồn dập và trên diện rộng như hiện nay.

Những kết quả phân tích từ ngành y tế cho thấy, đa phần nạn nhân ngộ độc rượu do có hàm lượng Methanol trong máu ở ngưỡng rất cao. Nguyên nhân là do có một bộ phận người kinh doanh buôn bán đã pha cồn công nghiệp để tạo ra rượu với mức độ vô cùng nguy hại.

Cùng lật lại việc quản lý việc mua bán Methanol, một loại hóa chất chỉ được dùng trong công nghiệp – nếu như dùng vào thực phẩm gây ra ngộ độc nặng dẫn tới tử vong.

Thực tế, việc mua phụ gia hóa chất Methanol trên rất dễ dàng trên thị trường như các cơ sở kinh doanh, bán buôn phụ gia, hóa chất công nghiệp, các loại cồn khô, cồn lỏng công nghiệp (Methanol, Ethanol)...

Mô tả ảnh
Cồn Methanol được rao bán công khai trên một trang web. (Ảnh chụp màn hình)

Trên mạng, chỉ cần tìm cụm từ “mua cồn công nghiệp” là hiện ra hàng loạt trang web đăng tải, việc bán cồn công nghiệp rất dễ dàng. Họ đăng hình ảnh, số liên hệ, với giá cả dao động từ 12.000-20.000 nghìn đồng/lít. Người mua chỉ cần thêm sản phẩm vào giỏ hàng của mình hay gọi điện tới số điện thoại liên hệ trên đó là có thể mua được số lượng lớn cồng công nghiệp (Methanol).

Phân tích về công tác quản lý các loại hóa chất, ông Cường nhấn mạnh, để giải quyết được bài toán về an toàn thực phẩm nói trên, chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là chúng ta là phải kiểm soát chặt chẽ và làm tốt khâu quản lý được nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thực phẩm. Chẳng hạn như công tác quản lý các chất phụ gia cho vào thực phẩm, các hóa chất như Methanol đang nhập khẩu, cồn công nghiệp không đạt yêu cầu… 

"Chúng ta có thể thấy tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, bất kỳ ai ra khu vực ở Hàng Buồm, hàng Hòm hay tại Thành phố Hồ Chí Minh ra chợ Kim Biên là có thể mua được các chất phụ gia hay hóa chất một cách rất dễ dàng. Chính vì những kẽ hở đó mà trong chương trình làm việc của Bộ Công thương cùng lãnh đạo hai thành phố lớn trên cố gắng làm sao để giải quyết được tình trạng mua bán, sử dụng hóa chất một cách tùy tiện đang diễn ra ở một số trung tâm đô thị lớn cho hiệu quả,” ông Cường thẳng thắn.

Methanol là hóa chất độc hại, theo quy định của pháp luật, sản xuất, kinh doanh loại hóa chất này phải thực hiện xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Sở Công Thương. Đồng thời, khi mua/bán phải xây dựng Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, trong đó, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Cường chỉ rõ, theo Nghị định 94 thì rượu là một chất lỏng trong đó chứa etilic, ethanol hay... được lên men từ sản phẩm có các dung dịch từ đường để qua chưng cất mới tạo ra được rượu. Điều đó có nghĩa là Methanol không được định nghĩa là rượu.

Ông Cường nhấn mạnh, Methanol hiện nay ở Việt Nam cũng chưa sản xuất được, chủ yếu là nhập khẩu, dùng trong công nghiệp. Trong các giai đoạn trước kia, để quản lý cồn công nghiệp, người ta cho Xanh methylen vào, vì vậy cồn công nghiệp sẽ có màu xanh vào để tránh nhầm với cồn thực phẩm. Còn hiện nay, việc quản lý loại hóa chất này vẫn thực hiện chưa nghiêm.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, việc dùng cồn công nghiệp Methanol pha thành rượu, đâu phải bây giờ mới phát hiện ra. Rượu được pha chế từ loại hóa chất trên không thể coi là rượu, mà đó là một thứ thuốc độc cực mạnh.

Các đây mấy năm, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo, nhất là tại Nghệ An, người ta bán trong thùng phi, bán vô tư, bao nhiêu cũng có, nguồn Methanol nhập lậu, thải loại.

Vị Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng phân tích, hiện nay tại các cửa hàng ăn hầu như đều bán đồ uống, nhưng ai sẽ là người kiểm tra chất lượng rượu ở các hàng ăn đó? Chính quyền không thể đứng ngoài cuộc được. Điều đáng lo ngại là hiện nay cơ quan chức năng và các địa phương chưa chưa kiểm soát được việc pha chế rượu từ cồn công nghiệp Methanol, cũng như chưa quản lý được rượu nấu thủ công trong các hộ gia đình.

“Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và được quy định hạn chế kinh doanh. Vậy việc cấp phép đã làm nghiêm chưa hay có tình trạng cấp phép dễ dàng? Công tác thanh kiểm tra chỉ kiểm tra cửa hàng lớn mà bỏ qua các cửa hàng nhỏ lẻ? Một vụ ngộ độc rượu chết cùng lúc mấy người thì rất nghiêm trọng. Vì vậy, không thể để thực trạng rượu không có nhãn mác mà vẫn lưu thông hồn nhiên trên thị trường được,” ông Hùng cương quyết./

Nguyên nhân chính dẫn đến việc lưu hành rượu có chứa Methanol trên thị trường cũng được các chuyên gia chỉ rõ do người pha chế rượu, sản xuất rượu một phần vì ham lợi, một phần vì thiếu hiểu biết nên chế ra loại rượu có chứa Methanol từ các loại cồn công nghiệp có hàm lượng methanol cao.

Hậu quả của tình trạng trên là uống bị ngộ độc thậm chí dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó là các làng nghề bị ảnh hưởng không nhỏ trong cơn bão rượu có Methanol…

 

 

Tags:
4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.41315 sec| 867.781 kb