Nhập viện vì “trắng da siêu tốc”
Gần 15 năm làm việc trong lĩnh vực điều trị da thẩm mỹ và sức khỏe toàn thân, BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh (nguyên giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Y khoa Hoàng Hạc) đã gặp rất nhiều bệnh nhân thương tâm do sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid.
Một trong số đó là bệnh nhân T.T.A. Với ước mơ trở thành một vũ công, T.T.A (19 tuổi, ngụ tại Long An) tìm đủ mọi cách để có thể sở hữu làn da “trắng không tì vết”. Nghe lời quảng cáo ngọt ngào của một người quen, T.A mua một loại kem làm trắng siêu tốc được quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc về sử dụng.
Thời gian đầu, da T.A trở nên mịn màng, căng mọng, trắng đúng như mơ ước. Nhưng sử dụng được hơn 3 tuần, T.A phải nhập viện vì da bỗng nhiên nổi mụn, sần đỏ và ngứa rát.
Mặc dù là một dược sĩ nhưng chị N.H.Nh (38 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) cũng không vượt qua được cám dỗ “tắm trắng siêu tốc”.
Hơn 5 năm qua, chị vẫn tự tắm trắng tại nhà bằng một loại kem của người quen tự chế bán. Hậu quả là sau 5 năm, da chị không những trắng như người bị bạch tạng mà vùng da từ cánh tay đến bàn tay bắt đầu vón cục, nhăn nheo như tay người già. Một số vùng da lại trở nên mỏng dính, nhìn thấy cả mạch máu. Nhập viện, chị mới hốt hoảng khi biết mình bị nhiễm corticoid.
Da bị tổn thương nghiêm trọng sau khi sử dụng mỹ phẩm corticoid thời gian dài
BS Nguyễn Trọng Hào, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận rất nhiều ca bị biến chứng do mỹ phẩm làm trắng, tương tự như những trường hợp nêu trên.
BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh lo ngại về sự nguy hiểm của các loại mỹ phẩm, kem trộn làm trắng không rõ nguồn gốc được quảng bá làm trắng da cấp tốc vì chúng đều có chứa corticoid. Không có chất gì làm trắng nhanh và cấp tốc bằng chất này.
Một trong những trường hợp điển hình của nhiễm corticoid là cô gái Thạch Thị Tha Ri (29 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Cô cho biết, vào đầu năm 2015, khi đang mang thai đứa con thứ 2 được 4 tháng thì cô thấy ngứa vùng mặt và vài chỗ trên cơ thể mọc các mụn li ti.
Thấy các triệu chứng ngứa ngày một nhiều, Tha Ri ra tiệm thuốc tây gần nhà thì được bán cho một loại thuốc bôi có giá khoảng 14.000đ để bôi cho hết ngứa. Cô đã bôi khoảng 4 tuýp thuốc trong 3 tháng liên tục.
Thời gian đầu, gương mặt Tha Ri hết mẩn ngứa và có phần láng mịn, nhưng sau đó, khuôn mặt cô ngày càng bị dày cứng, lục cục, biến dạng, trông già nua như bà lão 70. Qua quá trình thăm khám, soi da và dùng các phương pháp thử cho thấy, Tha Ri bị chứng lão hóa do hậu quả của việc lạm dụng thuốc bôi có chứa corticoid.
Bên cạnh đó, một số loại kem làm trắng da trôi nổi hiện nay còn có chứa cả thủy ngân. Nếu sử dụng lâu dài, thủy ngân sẽ tích tụ lại cơ thể và ảnh hưởng nặng nề đến nội tạng.
Cô gái Tha Ri biến thành bà lão sau 3 tháng dùng kem có chứa corticoid
Corticoid - con dao 2 lưỡi nguy hiểm
Theo BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh, corticoid là một chất chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, chữa viêm các loại… được dùng dạng uống, tiêm mạch, tiêm bắp và chích tại chỗ, bôi da tại chỗ.
Corticoid bôi da có đặc điểm tác dụng chống viêm, chống dị ứng rất mạnh, làm da mọng và trắng do tác dụng giữ nước. Những tác dụng trên làm cho người dùng làm đẹp rất thích và nhầm tưởng là sản phẩm tốt.
Corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, nếu dùng lâu dài thường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như giảm khả năng miễn dịch, gây nhiễm trùng cơ thể hay từng vùng nếu bôi da, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng như tiểu đường, hội chứng Cushing (mặt, cơ thể mập mạp nhưng tay chân rất gầy yếu), cao huyết áp, đặc biệt là hội chứng nghiện corticoid.
Theo BS Cẩm Anh, corticoid nguy hiểm như “ma túy” vì nó vừa là thuốc chống viêm mạnh hiệu quả nhanh nhưng chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân viêm; gây lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi. Do vậy khi dừng thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều.
Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng; làm giảm đến mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo, da mỏng, chảy nhão. Làn da mỏng dễ bị tàn phá bởi yếu tố có hại từ bên ngoài như nắng, gió, bụi, ô nhiễm.
Corticoid còn gây hiệu ứng phản hồi khi ngưng thuốc, mụn nổi lên kịch phát, viêm da kích ứng, da tiết nhờn nhiều hơn trước; gây nám da lan rộng, gây giãn mạch làm da hay bị đỏ và nóng rát, da già cỗi sần sùi khi ngừng bôi. Vì thế, người dùng bị lệ thuộc vào corticoid và việc cai corticoid cũng rất khó, như một thói quen "gây nghiện".
BS Cẩm Anh cho biết, thực tế, hiện nay, rất nhiều người có thói quen tự mua thuốc điều trị khi bị dị ứng, chàm. Ngoài ra, các loại mỹ phẩm làm trắng, đẹp nhanh hay các loại kem tự chế để trị nám, trị mụn nhanh… cũng được nhiều người chọn dùng.
Nhiều loại mỹ phẩm làm trắng, đẹp da... có chứa corticoid ở các mức độ khác nhau. Các cơ sở y tế, bệnh viện có khoa da liễu đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề do tự ý dùng thuốc.
Nếu bị biến chứng do corticoid thì hậu quả rất nặng nề, việc điều trị thường kéo dài từ 1-3 tháng. Nhiều trường hợp phải kéo dài từ 6 tháng – 1 năm để “cai nghiện corticoid”. Bên cạnh đó, việc điều trị corticoid đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Theo BS Cẩm Anh, sử dụng corticoid cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc dùng, càng không được lạm dụng chất này.
(Còn tiếp)