Hàng hóa giả mạo nhãn, bao bì là hàng hóa có tên thương mại, địa chỉ nơi sản xuất, nơi đóng gói, lắp ráp, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch… bị làm giả. Đối với hành vi buôn bán hàng hóa có các đặc điểm trên, tùy giá trị và lượng hàng giả bán ra, người bán hàng sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt có thể lên tới 30 triệu đồng.
Theo khoản 1 Điều 13 nghị định 185/2013/NĐ-CP mức phạt tiền cho hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn, bao bì được quy định chi tiết như sau:
- a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
- b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
- c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
- d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đối với các loại hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều 13 nghị định 185/2013/NĐ-CP gồm lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm… mức phạt tiền cho việc bán hàng giả nhãn, bao bì gấp đôi so với các loại hàng hóa khác.
Bên cạnh hình phạt tiền, người bán hàng còn bị tịch thu hàng hóa giả nhãn, bao bì, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề (nếu có), bồi thường, khắc phục hậu quả nếu có thiệt hại xảy ra.
Trong một số trường hợp người bán hàng hóa giả nhãn, bao bì còn có thể bị xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả.