Chủ nhật , 29/12/2024, 13:23 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế

Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế
(Tieudung.vn) - Mặc dù lực lượng Công an và các ngành chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng cứ đến Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo nổ lại diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép.

Đặc biệt là tình trạng thanh thiếu niên, học sinh mua nguyên vật liệu và học cách chế tạo trên mạng , rồi tự chế pháo nổ để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường. Nhiều vụ tai nạn thương tâm từ pháo nổ tự chế đã xảy ra, người thì bị thương tật suốt đời, người thì mất mạng chỉ vì sự tò mò hay thú chơi phù phiếm, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ cảnh tỉnh giới trẻ.

Đơn cử, ngày 23/12, Khoa cấp cứu Chợ Rẫy tiếp nhận 3 trường hợp thanh, thiếu niên có độ tuổi trung bình 15 - 17 bị đa chấn thương, phỏng nghiêm trọng do pháo tự chế. Theo từ người nhà, nhóm thanh, thiếu niên đã đặt mua thuốc pháo về và tự điều chế theo hướng dẫn trên mạng, dẫn đến phát nổ.

Cùng ngày, một vụ nổ khác đã xảy ra tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh khiến một người tử vong tại chỗ và 5 người khác bị thương nặng, trong đó có một trường hợp bị cụt tay. Được biết, cả 6 nạn nhân đều là thanh, thiếu niên từ 14 - 17 tuổi, nguyên nhân vụ nổ cũng xuất phát từ việc đặt mua thuốc pháo qua mạng về tự chế pháo.

Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế

Học sinh bị tổn thương thể chất nghiêm trọng do pháo tự chế. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Trên đây là hai trong số nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến pháo nổ tự chế, xảy ra ở đối tượng học sinh và thanh, thiếu niên trong thời gian qua. Có thể thấy, pháo tự chế gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, cũng như để lại hậu quả to lớn đến tương lai và sự phát triển sau này. Tuy nhiên, bất chấp các cảnh báo, không ít học sinh và thanh, thiếu niên vẫn tò mò, chủ quan, tự chế pháo nổ, rước họa vào thân và gây hậu quả cho người khác.

Chỉ cần lên YouTube, Facebook, hoặc TikTok, nhập từ khóa "hướng dẫn tự chế pháo nổ," người dùng có thể tìm thấy hàng nghìn video hướng dẫn chi tiết cách trộn hóa chất để chế tạo pháo nổ. Nhiều video còn kèm theo hình ảnh đốt pháo tự chế để minh chứng hiệu quả, nhằm thuyết phục người mua hàng. Nguyên liệu để chế tạo pháo cũng được rao bán trực tuyến và giao tận nhà nên rất khó phát hiện và kiểm soát.

Hóa chất được sử dụng trong việc chế tạo pháo nổ chủ yếu là các chất dễ cháy nổ như kali clorat, lưu huỳnh, bột nhôm, những chất này chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình trộn lẫn cũng có thể dẫn đến thảm họa. Chỉ cần trộn sai tỷ lệ, thiếu xử lý hóa chất có thể gây ra những vụ nổ lớn. Việc mua bán hóa chất trên mạng ngày nay lại càng trở nên dễ dàng, không bị kiểm soát chặt chẽ. Một học sinh chỉ cần vài cú click chuột là có thể tìm thấy các địa chỉ bán hóa chất, thậm chí không có sự kiểm tra độ tuổi hay mục đích sử dụng. Thực tế cho thấy, nhiều em học sinh tự chế pháo nổ vì sự tò mò, thiếu hiểu biết. Đây là những hành động nguy hiểm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu không có sự giám sát và can thiệp kịp thời từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Ngày 24/12, hơn 3kg hóa chất cùng nhiều vật dụng để chế tạo pháo vừa được lực lượng công an huyện Phú Cần, huyện Krong Pa, tỉnh Gia Lai thu giữ. Số hóa chất này là của một cháu bé sinh năm 2012, tức chỉ mới 12 tuổi đã đặt mua trên mạng xã hội. Vụ việc được phát hiện sau khi nhiều em nhỏ cùng nhau đốt pháo tự chế trên địa bàn. Điều đáng nói, trong suốt quá trình em cậu bé sinh năm 2012 chế tạo pháo tại nhà và đốt pháo, cha mẹ em không hề hay biết.

Vừa qua, Công an thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước( Bình Định) phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Bá đã phát hiện 01 nhóm học sinh có hành vi sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thu giữ 01 cuộn giấy học sinh hình trụ nghi là pháo, 03 hũ bột có trọng lượng 900g (nguyên liệu làm pháo), 09 ống nhựa hình trụ, 07 ống giấy hình trụ và 02 viên nhựa hình cầu nghi là pháo nổ.

Qua vụ việc trên, nếu lực lượng chức năng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì trong quá trình chế tạo, sử dụng pháo sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng cho chính người sử dụng và những người xung quanh. Tự chế, tàng trữ, sử dụng, buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ là hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Để bảo đảm , trật tự, an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cơ quan Công an thông tin và khuyến cáo đến người dân một số vấn đề cần lưu ý sau:

- Nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo. Không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định).

- Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, với hành vi mua bán, hướng dẫn chế tạo pháo nổ, mức xử phạt sẽ từ 10 - 20 triệu đồng. Cụ thể, điều 5 Nghị định số  137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

- Hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy, nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm I, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự.

- Người từ 14 tuổi trở lên tự chế tạo pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

- Người chế tạo pháo nổ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Với người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, vì sự an toàn của cả cộng đồng, cùng với quyết tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hãy nói không với các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dung trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ, góp phần để một cái Tết thật sự bình yên, hạnh phúc với mọi nhà, mọi người.

Tags:
3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.37121 sec| 835.586 kb