Một đơn kiến nghị yêu cầu Quốc hội Anh ra luật cấm các công ty yêu cầu nữ nhân viên phải mang giày cao gót khi đi làm đã thu thập được hơn 110.000 chữ ký chỉ trong vài ngày vận động.
Đơn kiến nghị này do cô Nicola Thorp lập ra, hãng tin BBC (Anh) cho biết. Cô Nicola Thorp năm nay 27 tuổi có nghề tay trái là diễn viên, vừa bị sa thải ngay trong ngày đầu đến làm việc tại công ty tài chính PricewaterhouseCoopers (London, Anh) vì từ chối mang giày cao gót.
Cô Nicola Thorp. |
“Hiện ở Anh việc các công ty yêu cầu nữ nhân viên mang giày cao gót khi đi làm trái với ý muốn của họ vẫn được cho phép” - cô Nicola Thorp ghi trong đơn kiến nghị.
Cô Nicola Thorp là nhân lực của công ty cung ứng việc làm Portico, được phái tới làm việc tại công ty PricewaterhouseCoopers. Cô làm ở bộ phận lễ tân, công việc là phải hộ tống khách hàng từ cửa công ty đến các phòng họp trong chín giờ mỗi ngày.
Vì phải đi đứng nhiều nên cô chọn mang đôi giày đế bằng màu đen kết hợp đồng phục công ty. Tuy nhiên, quản lý của cô khăng khăng rằng công ty quy định người làm công việc lễ tân phải mang giày gót cao từ 2 - 4 cm, yêu cầu cô phải nhanh chóng ra ngoài mua một đôi giày cao gót về thay nếu muốn tiếp tục công việc.
“Tôi đã từ chối, nói rằng tôi không thấy việc ăn vận, giày dép của tôi ảnh hưởng đến công việc” - cô Thorp nói với BBC. Cô kể lại thậm chí cô còn hỏi tại sao nhân viên nam lại không bị bắt buộc phải theo quy định này và người quản lý đã cười phá lên. Và kết quả là cô bị Công ty Portico sa thải.
Vụ việc của cô Thorp rất được truyền thông chú ý. Ngày 11-5, ông Simon Pratt, Giám đốc điều hành Công ty Portico cho biết từ sự vụ của cô Thorp công ty đã sửa đổi quy định về trang phục cho nhân viên.
“Tất cả nhân viên nữ của chúng tôi có thể tùy ý chọn mang giày cao gót hay giày đế bằng khi đi làm, quy định này có hiệu lực ngay lập tức” - ông Patt nói với BBC.
Công ty PricewaterhouseCoopers cho biết chỉ mới biết về sự việc của cô Thorp ngày 10-5, đồng thời nói rằng PricewaterhouseCoopers không có chính sách đặc biệt về trang phục của nhân viên.
Theo luật sư Rebecca Tuck (Anh), các công ty có quyền ra quy định trang phục cho nam, nữ nhân viên, tuy nhiên nếu trang phục đó không thoải mái, gây cản trở công việc, ảnh hưởng sức khỏe của nhân viên thì đó là vấn đề pháp lý cần thay đổi. Thực tế rất nhiều phụ nữ không thể mang được giày cao gót.
Sự việc xảy ra từ tháng 12-2015 nhưng chỉ mới được biết đến gần đây. Cô Thorp cho biết cô từng rất lo lắng khả năng gặp phản ứng mạnh nếu công khai sự việc nên chỉ chia sẻ với bạn bè và trên mạng xã hội Facebook, từ đó cô biết rất nhiều phụ nữ cũng từng gặp tình huống tương tự.
Hình ảnh chụp đôi bàn chân của nữ nhân viên đang rớm máu, thấm gần ướt đôi bít tất cô đang đi. |
Bức hình trên được đăng tải bởi cô gái tên Nicola Ganvins đang sinh sống và làm việc tại thành phố Edmonton, thuộc tỉnh Alberta, Canada. Nicola hiện đang là nhân viên phục vụ của nhà hàng Joey nơi mà cô đang sinh sống.
Nicola cho biết, tại nơi cô làm việc nhân viên nữ bị buộc phải đi giày cao gót thay vì giày bệt cho dễ dàng di chuyển. Ngoài ra, họ còn phải mua váy đồng phục trị giá 30 USD (670,000 VND).
Theo Nicola, việc nhà hàng ép nhân viên phục vụ bàn đi giày cao gót là việc làm không thể chấp nhận được. Nó không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn khiến tâm lý của họ cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Cô có rất nhiều bạn bè làm trong ngành dịch vụ nhưng không ai phải chịu chung cảnh éo le thế này. Và điều này đã khiến cô và đồng nghiệp rất bức xúc.
Ngay sau khi chia sẻ, bức hình đã nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng. Nhiều ý kiến được đưa ra, nhiều người cho rằng, việc đi giày cao gót khiến phụ nữ trở nên quyến rũ và hoàn hảo hơn hơn, đặc biệt đối với những cô nàng có chiều cao khiêm tốn.
Tuy nhiên, về việc nhân viên bị nhà hàng ép đi giày cao gót trong nhiều giờ khiến đôi chân rớm máu thì nhiều người lên tiếng phản đối vì nó đã khiến đôi chân của những người nhân viên phải chịu đau đớn, hơn nữa còn ảnh hưởng đến cả tinh thần của họ.
Sau khi bức ảnh ‘đôi chân rớm máu’ trở thành trở thành chủ đề bàn luận của nhiều người, đại diện nhà hàng Joey – nơi Nicola làm việc đã lên tiếng, họ rất tiếc vì đã để vụ việc đi quá xa. Quản lý nhà hàng cũng đã làm việc với Nicola và hứa sẽ cố gắng điều chỉnh quy định để tạo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên.