Chiêu bài tinh vi
Trên thực tế, có rất nhiều khách hàng không hề biết thuê bao điện thoại của mình đang sử dụng dịch vụ gì nhưng chỉ đến khi bị trừ tiền nhiều, gọi đến tổng đài mới “hốt hoảng” trước những dịch vụ từ “trên trời rơi xuống”. Một dịch vụ giá trị gia tăng được đăng ký cho một thuê bao di động bằng nhiều cách khác nhau: người dùng chủ động nhắn tin đăng ký, người dùng bị lừa nhắn tin đăng ký thông qua các mẩu quảng cáo, điện thoại thông minh bị nhiễm mã độc và mã độc này âm thầm nhắn tin đăng ký sử dụng dịch vụ, khuyến mãi trước, áp đặt sau…
Theo thông tin phản ánh của rất nhiều người dân dùng cả 3 mạng điện thoại di động là Viettel, Vinaphone, MobiFone đã bức xúc cho biết, không hiểu “ai” đã đăng ký cho khách hàng những dịch vụ GTGT như gamezone, gói Bibibook, Hai4G... khi người dân trực tiếp gọi điện lên tổng đài của các nhà mạng này thì đều nhận được câu trả lời “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của quý khách, phản ánh của quý khách đang được xử lí, chúng tôi sẽ phản hồi quý tới khách trong thời gian sớm nhất” hay “người tiêu dùng đã bấm vào 1 đường link dẫn đến việc đăng ký sử dụng dịch vụ”.
Thế nhưng, người dùng lại không biết làm thế nào để chứng minh mình không hề đăng ký. Trong khi đó, tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” vẫn “khủng bố” họ không ngừng nghỉ. Thuê bao di động hiện nay chỉ biết ngậm ngùi “sống chung với lũ”!
Mệt mỏi với “ma trận” dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động của các nhà mạng
Anh Văn Bảo (ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người đang sử dụng thuê bao mạng MobiFone bức xúc cho biết: “Tôi đã rất nhiều lần phản ánh lên tổng đài, cụ thể lúc 20h ngày 5/6 về việc các dịch vụ gia tăng của tổng đài tự ý mở nhưng bản thân tôi không có nhu cầu, nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ khai thác viên “Phản ánh của quý khách sẽ được chúng tôi chuyển lên lãnh đạo cấp trên”, tuy nhiên chờ mãi tôi vẫn không hề thấy các loại dịch vụ GTGT này trên thuê bao của mình chấm dứt. Sự việc vẫn chìm trong im lặng và trong thời gian chờ “chuyển lãnh đạo cấp trên” thì các dịch vụ vẫn tiếp tục “quấy nhiễu”, tôi không đăng ký mà tại sao nhà mạng lại hướng dẫn tôi các cú pháp để hủy …thật là cách làm ăn thiếu minh bạch?”.
Cũng giống như anh Bảo, anh Thái Sơn, nhà ở quận Đống Đa, đang sử dụng mạng Vinaphone cho biết, anh sử dụng dịch vụ trả sau của nhà mạng Vinaphone từ đầu năm 2012. Trong quá trình sử dụng, anh đều hoàn thành các khoản thu theo đúng qui định. Do quá tin tưởng vào nhà mạng Vinaphone là một nhà mạng lớn, làm việc uy tín cũng như các khoản thu đều có hóa đơn nên anh Sơn rất yên tâm về số tiền mình phải nộp.
Thế nhưng thời gian gần đây, sau khi nghe bạn bè nói về việc các dịch vụ tin nhắn đang “hút tiền” tài khoản thì anh Sơn mới đi kiểm chứng bằng việc in sao kê chi tiết số cước phí anh phải đóng hàng tháng thì anh mới giật mình xem lại. Sau khi nhận được các bản sao kê, anh Sơn mới giật mình khi nhận ra trong hóa đơn có phát sinh một loại phí là MMS/WAP/VINAPORTAL. Bản thân anh Sơn cũng vô cùng bất ngờ trước việc mình đang sử dụng dịch vụ này mà không hề hay biết hay có mục đích sử dụng. Hơn nữa số tiền cung ứng cho các dịch vụ này không hề nhỏ, thậm chí còn gần bằng khoản cước anh gọi hàng tháng.
Còn chị Trần Ngọc Thủy, ở Xuân La, Hà Nội cũng cho biết, mình cũng rất đang bức xúc khi sử dụng mạng Viettel cho biết: “Trước đây tôi cũng đã từng sử dụng dịch vụ GTGT, tuy nhiên tôi đã hủy dịch vụ này từ lâu nhưng không hiểu vì sao đến cuối tháng tôi vẫn bị trừ một khoản tiền không phải là nhỏ cho dịch vụ này. Mỗi khi nhận được tin nhắn quảng cáo về các dịch vụ GTGT thì chị luôn thực hiện thao tác hủy đăng ký để tránh trường hợp trừ tiền oan. Tuy nhiên trong khoảng 3 tháng gần đây chị Thủy đã phát hiện mình vẫn bị trừ tiền, trung bình mỗi tháng chị phải mất khoảng 30.000 đồng”.
"Tôi gọi lên tổng đài kiểm tra thì được biết đã bị trừ tiền dịch vụ này hơn một năm nay. Họ giải thích là có thể tôi vào một trang web nào đó mà có một thông báo quảng cáo và tôi vô tình ấn vào nên tự động tham gia. Như vậy là quá vô lý. Theo khách hàng này, giả sử có tình huống như vậy thì ít ra nhà mạng phải có thông báo yêu cầu khách hàng xác nhận, không thể tự động đăng ký rồi trừ tiền. không những chị mà toàn thể gia đình chị đang dùng mạng này đều gặp tình trạng tương tự.”
Anh Bảo, anh Sơn hay chị Thúy chỉ là những đại diện tiêu biểu cho hàng triệu người sử dụng các dịch vụ của các nhà mạng di động bị “móc túi” dưới chiêu bài dịch vụ giá trị gia tăng. Họ đều đang đóng tiền vào cuối tháng mà không thể hiểu biết về các dịch vụ công thêm, bên cạnh đó vẫn bị các tin nhắn từ dịch vụ này làm phiền mà không hiểu lí do. Tuy nhiên, với hình thức tính tiền “mập mờ”, tự động đăng ký các dịch vụ phụ thêm vào các thuê bao đang làm nhiều người bức xúc liệu có bao nhiêu số thuê bao đang phải nộp tiền “vô lý” mà không hề hay biết? Rất cần thiết các cơ quan chức năng vào cuộc với các trường hợp cố tình gây nhầm lẫn, do nhà mạng được ăn chia tỉ lệ lớn số tiền thu được, cơ quan nhà nước thấy người tiêu dùng bị lừa và cần truy thu thì nhà mạng phải là đối tượng bị truy thu trước tiên.