Nhiều người đã tự sáng tạo thêm phương pháp khác vì cho rằng nó có tác dụng bảo vệ khỏi virus, trong đó có đeo găng tay. Tuy nhiên, một chuyên gia cảnh báo rằng sử dụng găng tay không thực sự bảo vệ mọi người khỏi Covid-19 mà chỉ mang đến cảm giác an toàn sai lầm, khiến người dùng chủ quan.
Dù Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo rằng rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn chặn virus lây lan nhưng nhiều người lo lắng về virus nên sử dụng găng tay theo cách tương tự như khẩu trang.
Theo bác sĩ Allison Bartlett, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Chicago, việc sử dụng găng tay, nhất là loại không đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ là vô nghĩa vì virus có thể tồn tại trên găng tay nếu chúng chạm vào bề mặt bị ô nhiễm và mang lại "cảm giác an toàn sai lầm", rằng mọi người được bảo vệ trong khi thực tế không phải vậy.
Trong khi tháo găng tay, tay sẽ rất dễ bị nhiễm bẩn vì lúc tháo một găng tay, bàn tay còn lại có thể dễ dàng chạm vào chiếc găng tay kia.
Bà Allison Bartlett nói thêm về hiệu quả 'ảo' của việc đeo găng tay: "Mọi người có thể cảm thấy được bảo vệ vì da không chạm vào các bề mặt nhưng ngay khi chạm vào bề mặt rồi di chuyển tới khẩu trang hoặc những bộ phận trên mặt, nguy cơ bị nhiễm virus vẫn hoàn toàn xảy ra".
Bác sĩ Bartlett cho biết, trong khi tháo găng tay, tay sẽ rất dễ bị nhiễm bẩn vì lúc tháo một găng tay, bàn tay còn lại có thể dễ dàng chạm vào chiếc găng tay kia. Và bà nói thêm rằng việc người dân sử dụng rộng rãi găng tay có thể sẽ làm cạn kiệt nguồn cung cho các bác sĩ và y tá.
Các bác sĩ phải thực hiện biện pháp bảo vệ theo các quy trình cụ thể để đảm bảo rằng găng tay đã sử dụng không làm nhiễm bẩn tay họ. Họ cũng rửa tay trước, sau khi đeo găng tay và sẽ chỉ sử dụng một bộ găng tay cho mỗi bệnh nhân vì có thể tiếp xúc với máu và các chất dịch cơ thể khác.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng tuyên bố mặc dù các bác sĩ tuân theo quy trình nghiêm ngặt để sử dụng găng tay đúng cách, nhưng không cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống nhiễm bẩn tay. Các mầm bệnh có thể xâm nhập vào bàn tay của bác sĩ thông qua các vết rách nhỏ trong găng tay hoặc do nhiễm bẩn trong quá trình tháo găng tay và vệ sinh tay bằng cách chà rửa vẫn là điều cơ bản để đảm bảo khử khuẩn tay sau khi tháo găng.
Găng tay mang mầm bệnh hiệu quả hơn da.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ và châu Âu đã đưa ra các hướng dẫn quy định rằng găng tay vẫn có thể lây nhiễm virus và sẽ không phải vật dụng cần thiết để bảo vệ mọi người khỏi nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Bartlett nói thêm vì găng tay chỉ sử dụng một lần nên cũng cần xem xét khía cạnh ô nhiễm môi trường. "Điều làm tôi khó chịu hơn nhìn mọi người đeo găng tay ra ngoài đường là trên đường đi bộ từ bệnh viện về nhà, tôi thấy rác thải do Covid-19 xuất hiện đầy trên mặt đất", bà nói.
Mary-Louise McLaws, một chuyên gia kiểm soát nhiễm trùng và giáo sư dịch tễ học tại Đại học New South Wales cho biết, găng tay mang mầm bệnh hiệu quả hơn da. Bà nói rằng tay, cổ tay và móng tay vẫn phải được rửa trong 20 giây trước khi đeo và sau khi tháo găng ra, vì vậy tốt nhất là không nên dựa vào chúng để bảo vệ bản thân.
Cô cho biết nhân viên y tế tuyến đầu là những người duy nhất cần đeo găng tay và nhắc lại hướng dẫn chính thức rằng thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc chất khử trùng, thực hành cách xa xã hội và ở nhà là cách phòng vệ tốt nhất chống lại Covid-19.