Báo cáo của BCĐ 389 TP Hà Nội cho thấy, năm 2021 hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Trong đó có lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại khu đô thị gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Việc phát hiện vi phạm tại các website kinh doanh hàng hóa không dễ dàng, do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là sản phẩm chính hãng, nhưng thực chất là hàng lậu, hàng giả.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, lực lượng chức năng trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả gặp nhiều khó khăn bởi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống buôn lậu, hàng giả chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.
Năm 2022, các lực lượng chức năng TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, hàng giả, kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với tuyến, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, tết.
Phó Trưởng phòng PC03 (Công an TP Hà Nội) Cao Văn Lộc, kiến nghị thời gian tới cần tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin với các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai… qua đó ngăn chặn kịp thời hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới về Hà Nội để tiêu thụ.
Đồng thời, cần bổ sung các quy định về việc cấp giấy phép hoạt động có điều kiện các kho tàng, bến bãi; Có chế tài xử lý đối với các chủ kinh doanh nếu các kho, bến bãi phát hiện là nơi tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các đơn vị thành viên BCĐ 389 TP chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp đấu tranh có hiệu quả hoạt động buôn lậu, hàng giả.
Trong đó tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kho hàng, chợ đầu mối qua đó ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả. Khẩn trương triển khai thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng cũng như các tỉnh, thành trên cả nước.
Năm 2021, các lực lượng chức năng TP Hà Nội trong Ban Chỉ đạo/TP đã thanh tra, kiểm tra 28.585 vụ; xử lý hành chính: 25.306 vụ. Khởi tố hình sự 87 vụ đối với 140 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu: 3.145 tỷ 593 triệu đồng.
Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phải gắn liền với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Thời gian tới các lực lượng chức năng rà soát những văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng bằng khen cho 15 tập thể, 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021.