Thấy được điều đó, Công ty TNHH TM Tân Thành (Công ty Tân Thành) đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học”.
Đoàn công tác Cục BVTV cùng đại diện Công ty Tân Thành và nông dân thăm cánh đồng sinh học tại xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ - Ảnh: Việt Hà.
Ngày 17/3, Cục Bảo vệ thực vật đã có buổi làm việc và nghe báo cáo mô hình “Trình diễn thuốc trừ sâu trên đồng ruộng” của Công ty Tân Thành hợp tác với bà con nông dân xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Với mục tiêu, xây dựng quy trình “Sức mạnh sinh học” trên các loại cây trồng như: Lúa, rau màu và cây ăn trái để sản xuất ra các loại nông sản sạch, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tạo thói quen cho người nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học trên cây trồng, giảm lượng thuốc hóa học và các loại phân bón lá khoáng đa trung vi lượng trong canh tác.
Hiện, công ty này đã triển khai chương trình cho tất cả các hộ trình diễn trong vụ Đông Xuân 2021-2022, giai đoạn lúa hiện tại từ mạ đến chuẩn bị làm đòng.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV nói về những lợi ích khi áp dụng biện pháp sinh học trên cây lúa - Ảnh: Việt Hà.
Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV đánh giá, trong bối cảnh giá các loại vật tư tăng rất cao, trong đó có thuốc BVTV. Lúc này, nếu người dân cứ sử dụng theo thói quen, tập tính cũ thì chắc chắn sẽ lỗ.
“Thay vì cứ nghĩ tới khi nào có sâu có bệnh thì mới tiến hành phun xịt thì ngay ban đầu, từ khâu giống phải lựa chọn ngay; các khâu chăm sóc, kể cả thời kì sâu bệnh cũng không cần phải xử lí và khả năng phục hồi của cây lúa cũng như tốc độ sinh trưởng của các đối tượng sinh vật hại đó đến một lúc nào đó nó sẽ tự giảm. Nếu chúng ta nắm được quy luật đó, nắm được điều tiết của cây lúa, khả năng phục hồi rất lớn của nó lúc bước vào giai đoạn đẻ nhánh thì không cần phải sử dụng thuốc nữa” – Cục trưởng Hoàng Trung phân tích.
Cũng theo ông Trung, cần theo dõi sát sao, thăm đồng thường xuyên và cân đối lại các hệ sinh thái trên đồng ruộng, giai đoạn nào mới là giai đoạn cần can thiệp bằng thuốc sinh học hoặc thuốc hoá học. Nếu làm tốt sẽ giảm thiểu được sâu bệnh.
Anh Nguyễn Văn Nhiều mạnh dạn đầu tư thuốc BVTV sinh học cho 10ha lúa - Ảnh: Việt Hà.
Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Phải nói cho người dân rõ và hiểu là khi sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ thì nó mang lại tác dụng gì?
“Có thể mùa vụ này nó chưa hiệu quả lắm nhưng vẫn với cách thức làm như vậy nó sẽ kéo dài hiệu quả sang những vụ sau. Khi đó, người ta mới thấy được lợi nhuận, năng suất. Phải phân tích cho người nông dân hiểu những mặt lợi trong việc sử dụng thuốc sinh học và mặt hại trong việc sử dụng thuốc hoá học thì chính họ sẽ cân nhắc việc lựa chọn loại nào để sử dụng trên đồng ruộng của mình. Sắp tới Cục cũng tham mưu với Bộ, Chính phủ để có những chính sách đẩy mạnh, ưu tiên hơn nữa các nhóm thuốc sinh học, đăng kí như thế nào để đưa vào sản xuất nhanh nhất. Những sản phẩm đã sử dụng được trong quá trình sản xuất này sẽ được đăng kí sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ sau này. Tuy nhiên, các vật tư này phải đúng các hoạt chất mà Cục đã đăng tải, lựa chọn và lấy ý kiến trên toàn quốc. Qua đó, để người dân lựa chọn cụ thể. Chúng tôi là người thẩm định, kiểm tra; sản phẩm nào tốt, chúng tôi giới thiệu cho người dân sử dụng” – ông Trung nhấn mạnh.
Các sản phẩm thuốc BVTV sinh học của Công ty Tân Thành đang được sử dụng trong mô hình “Trình diễn thuốc trừ sâu trên đồng ruộng” – Ảnh: Việt Hà.
Với hơn 20 năm kinh nghiệp trong lĩnh vực trồng lúa, anh Nguyễn Văn Nhiều (43 tuổi, ngụ xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Thuốc BVTV sinh học thì hiệu quả nó từ từ chứ không như phân thuốc hoá học, phun thuốc hoá học vô là mình thấy rõ ràng ngay. Nhưng cũng tuỳ theo người nữa, nếu ai đã từng xài sinh học rồi thì họ sẽ biết, dự đoán và phòng trước như vậy mới hiệu quả. Còn để cho đến khi thiệt hại rồi thì tác dụng nó sẽ không nhanh bằng thuốc hoá học”.
Theo anh Nhiều, trên cánh đồng của mình, anh sử dụng thuốc hoá học lúc ban đầu để diệt mầm, cỏ, ốc,... còn giai đoạn khi lúa được 45 ngày trở về sau thì sử dụng hoàn toàn bằng thuốc sinh học để giúp rễ mọc sâu hơn, về sau ít đổ ngã và ít sâu bệnh, nhẹ chăm sóc hơn.
“Ban đầu nghe nói thuốc sinh học tác dụng chậm, mà đắt tiền hơn thuốc hoá học tôi cũng e ngại. Nhưng giá thành vật tư càng ngày càng tăng, làm nhiều năm thấy sức khoẻ giảm sút rõ rệt nên tôi tìm hiểu sâu hơn về thuốc sinh học, rồi dùng thử. Dần dần, an toàn, hiệu quả, năng suất, mà bán được giá cao nên tôi mạnh dạn đầu tư hết cho 10ha của mình” – anh Nhiều giải bày.