Phát biểu tại Tọa đàm “Sáng tạo xanh: Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DNHVNCLC) – Chương trình Chuẩn hội nhập tổ chức ở TP Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu thì phát triển những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu xanh, bền vững trở nên vô cùng quan trọng. Đồng thời, nguồn nguyên liệu bản địa giàu dinh dưỡng còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DNHVNCLC chia sẻ tại tọa đàm
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DNHVNCLC, chế biến xưa nay vẫn được coi là một mặt yếu của Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi chúng ta đưa ra công thức phát triển tài nguyên bản địa, áp dụng công nghệ mới, thì đã có sự biến chuyển. Nếu bây giờ cạnh tranh về công nghệ với Pháp, Mỹ thì chúng ta thua rồi, nhưng ở Mỹ đâu có trồng khoai mì, hay Pháp làm gì có dừa sáp. Vậy đó là cơ hội của chúng ta.
“Tôi rất mừng là xuất hiện một tầng lớp doanh nhân trẻ say mê đi khai thác các tài nguyên bản địa của quê hương mình. Họ vừa nghiên cứu thị trường, vừa đưa các sản phẩm bản địa vào thị trường, làm sao để thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận và yêu thích sản phẩm bản địa của quê hương mình" - bà Hạnh bày tỏ.
Kể về câu chuyện khai thác nguồn nguyên liệu khoai mì để làm bánh tráng, ông Đặng Khánh Duy - Tổng giám đốc công ty TNHH Tân Nhiên cho biết, với sự am hiểu về khoai mì, nên năm 2018, ông và vợ dồn toàn bộ vốn liếng, cùng với sự hỗ trợ của gia đình bắt tay đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất, tuyển công nhân… Sau rất nhiều thất bại, cuối cùng ông Duy cũng có thể làm ra được sản phẩm bánh tráng từ khoai mì như ý, trắng trong, mỏng và có thể cuốn trực tiếp mà không cần phải nhúng nước.
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm: "Sáng tạo xanh - Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt", tại TP Hồ Chí Minh
Không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước, từ năm 2020, bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên đã đi khắp thế giới. Trong nước sản phẩm của Tân Nhiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đặc biệt, quy trình sản xuất bánh tráng Tân Nhiên đạt tiêu chuẩn cao nhất FSSC 22000 của Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI). Đây là tấm vé để Tân Nhiên đi ra thế giới. Hiện tại Tân Nhiên đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và sắp tới là Mỹ.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Sương - Nghệ nhân ẩm thực nhận định, hoai mì từ lâu đã trở thành một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Hiện nay, khoai mì xuất hiện ngày càng nhiều trong những món ăn dân dã ở các vùng quê," đến những món tráng miệng tinh tế trong các nhà hàng sang trọng. Ngoài ra, thành phầm tinh bột khoai mì dùng trong chế biến các loại bánh, kẹo; có thể được lên men để sản xuất các loại nước giải khát, rượu… hay sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, khoai mì không chỉ là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng mà còn là yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo trong ẩm thực, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam.
Sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất từ khoai mì được trưng bày tại buổi tọa đàm
Bà Bùi Thị Sương nhấn mạnh, đối với ngành ẩm thực, khoai mì sau khi chế biến thành bánh tráng có độ dẻo và màu trong khá bắt mắt. Sản phẩm này còn giúp tiết kiệm thời gian chế biến cho các đầu bếp khi làm các món cuốn trong các chương trình quảng bá ẩm thực ở nước ngoài.
“Tôi còn nhớ có một lần đi quảng bá ẩm thực tại Mỹ, trong một bữa tiệc mà chúng tôi phải cuốn 500 cái gỏi cuốn. Nhưng “phiền phức” hơn là cuốn đến đâu thì các đầu bếp phải nhúng nước đến đó, rất mất thời gian.Vì vậy, khi sử dụng các sản phẩm bánh tránh không nhúng nước làm từ khoai mì, chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian hơn trong chế biến thực phẩm" - bà Bùi Thị Sương nói.
Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn, Trong số đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2,0 tỷ USD. Về tầm nhìn đến năm 2050 ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, đạt 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm trên 90%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD. |