Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), dù chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng năm 2021 vẫn tăng mạnh, đạt 24,23 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 10,40 tỷ USD (tăng 13,3%); thủy sản đạt 4,05 tỷ USD (tăng 12,5%); lâm sản đạt 8,7 tỷ USD (tăng 61,5%).
Đóng góp vào sự tăng trưởng này có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm: Cao su (tăng 41,4% khối lượng, 80% giá trị); hạt điều (tăng 22,2% khối lượng, 11,1% giá trị), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 16,3% khối lượng, 30,5% giá trị). Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 6,7%, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn đạt 499 triệu USD (tăng 40,5%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD (tăng 74,8%), mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD ( tăng 78,8%); tôm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh đạt khoảng 6,7 tỷ USD (tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng giá trị xuất khẩu).
Thị trường Trung Quốc nhập khẩu khoảng 4,75 tỷ USD (tăng 32,1% và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu).
Nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm khoảng 21,09 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,14 tỷ USD (giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2020).
Để đạt được kết quả này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp đã thực hiện hàng loạt giải pháp như chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Australia… chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. Nhất là tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU.
Trong 6 tháng còn lại của năm 2021, ngành nông nghiệp đề ra nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm - thủy sản. Trước mắt là kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi...).
Đối với thị trường Mỹ theo dõi sát sao và có phương án kịp thời liên quan áp dụng Luật Farm Bill trong thủy sản, nguồn gốc hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ, điều tra chống bán phá giá đối với mật ong... tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản hai bên.
Bên cạnh đó, mở rộng thị trường nông sản sang các nước tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN.... Hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông sản năm nay đạt 45 tỷ USD, cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ giao đầu năm 3 tỷ USD.