Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 154.000 tấn, kim ngạch 496 triệu USD, giảm 7% về lượng, tăng 39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, hiện tại, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu giảm do diện tích sản xuất hồ tiêu toàn cầu giảm. Điều này đã đẩy giá hồ tiêu tăng cao bởi nhu cầu tiêu dùng không hề giảm theo nguồn cung. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã gây bất lợi cho cây hồ tiêu phát triển, bệnh chết nhanh, chết chậm vẫn ra ra trên cây tiêu, chăm sóc hồ tiêu ngày càng khó khăn hơn đã khiến cho năng suất hồ tiêu giảm.
Sau nhiều mùa tiêu thất bát, người trồng tiêu giờ đây đang buồn - lo lẫn lộn. Giá tiêu đang theo chiều hướng tăng lên, có tiêu lúc này như có của quý trong nhà. Tiếc rằng, không có nhiều người trồng tiêu có đủ tiền và đủ tầm nhìn xa để tích trữ. Và “cuộc chơi” với hồ tiêu lúc này thu hẹp hơn, trở thành “cuộc chơi” của những người có điều kiện, đủ lực để bình tĩnh chờ đợi, với hi vọng giá tiêu có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với hiện nay.
Giá hồ tiêu tăng trong mấy tháng qua giúp doanh nghiệp được vực dậy sau thời gian trầm lắng. Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Bình Dương), một doanh nghiệp thu mua tiêu tại Đồng Nai cho biết, giá hồ tiêu tăng là do thị trường điều chỉnh, không phải doanh nghiệp hay nông dân có thể tự điều chỉnh được. Giá hồ tiêu tăng “nóng” trong thời gian gần đây là tin vui của ngành hồ tiêu Việt Nam, cũng vì lý do nguồn cung tiêu giảm mạnh, không còn tình trạng cung vượt cầu như thời gian trước đó.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nước bởi khi hồ tiêu tăng giá, sẽ có hiện tượng tranh mua nguyên liệu; nông dân, thương lái đua nhau trữ tiêu khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó về nguồn cung và khó ký những đơn hàng dài hạn. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, doanh nghiệp chỉ có thể ký kết những đơn hàng xuất khẩu ngắn hạn để có thể ứng phó với biến động của giá hồ tiêu nguyên liệu, tránh được rủi ro về biến động giá tiếp theo. Đồng thời, với cách ứng phó này, doanh nghiệp sẽ có thể thu được lợi nhuận cao hơn để tiếp tục xuất khẩu khi thị trường điều chỉnh liên tục.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cần có phương án ứng phó linh hoạt để có thể tận dụng được lợi thế trước các biến động của giá hồ tiêu. Với đà tăng giá hồ tiêu hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam với nhiều tiềm năng phát triển đang có động lực trở lại vị thế xuất khẩu tỷ USD như 5 năm trước đây.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% còn khoảng 180.000 tấn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu năm 2020. Dự báo, trong vài ba tháng tới cho đến cuối năm nay, giá sẽ tiếp tục tăng và khả năng giá sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.