Sau hơn 8 năm tham gia thị trường, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu phân bón đạt khối lượng và kim ngạch cao nhất từ trước đến nay. Hiện nay, bốn nhà máy sản xuất phân bón gồm: Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc sản xuất được khoảng 2,2 đến 2,5 triệu tấn phân đạm/năm, trong khi tiêu thụ chỉ được khoảng 1,8 đến 2 triệu tấn/năm, dư cung khoảng 500 nghìn tấn/năm nhưng nhập khẩu phân đạm (ure) về vẫn tăng, chính vì vậy các nhà máy phải tìm đường xuất khẩu ure thừa.
Sản xuất trong nước dư thừa, doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu
Hiện nay, Việt Nam có các nhà máy sản xuất phân ure của các đơn vị như: Công ty CP Phân Đạm và Hoá chất Hà Bắc sản xuất phân đạm mang nhãn hiệu Lúa vàng; Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC). Các nhà máy trên hàng năm sản xuất được khoảng 2,5 triệu tấn.
5 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm của PVCFC tại thị trường Campuchia đạt xấp xỉ 63.000 tấn, đạt 96% kế hoạch và tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh thị trường đạm ure trong nước được dự báo dư thừa nguồn cung, PVFCCo đã tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Ngày 26/1/2014, PVFCCo lần đầu tiên xuất khẩu 240 tấn phân ure sang Myanmar.
Từ năm 2011, sau khi nhà máy ure của PVCFC đi vào hoạt động thì thị trường ure trong nước trở nên dư nguồn cung khoảng 500.000 tấn (cung 2,2 triệu tấn - cầu 1,8 triệu tấn). Do giá cước vận chuyển từ vị trí nhà máy đạm Cà Mau đi thị trường khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và ra ngoài Miền Bắc đắt hơn đi Campuchia nên đơn vị này xác định Campuchia là thị trường truyền thống mục tiêu để xâm nhập.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc PVCFC cho biết, trước tình hình phân bón trong nước thừa cung dẫn đến tồn kho cao, PVCFC đã tìm kiếm thị trường, vào ngày 13/1/2013 lô phân bón Cà Mau đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Philippines. Năm 2014, PVCFC chính thức tham gia chinh phục thị trường xuất khẩu, trong đó đáng kể nhất là tại thị trường Campuchia.
“Do điều kiện địa lý gần, chi phi logistic thấp nên Phân bón Cà Mau xuất khẩu chủ yếu đi thị trường Campuchia và đây cũng là thị trường mục tiêu của chúng tôi. Hiện PVCFC có 6 đại lý cấp 1, với 4 nhà phân phối và 2 đại lý thương mại. Mỗi năm hệ thống phân phối tại Campuchia tiêu thụ hết từ 80 - 130 nghìn tấn”. Bà Hiền cho biết thêm.
Từ năm 2014, sau khi các nhà máy chạy ổn định thì tồn kho của các nhà sản xuất ure trong nước đều ở mức cao (dư cung khoảng 500.000 tấn) nên nhà máy nào có khả năng thì phải tìm hướng xuất khẩu, giảm tồn kho và dư cung nội địa để giá bán không dưới giá thành.
“Tháng 3 và tháng 4/2020, PBCM tồn kho tới 200 nghìn tấn do nông dân Tây Nam Bộ bỏ vụ 3, giá ure giảm còn 5.900 đồng/kg (tại thời điểm đó mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất từ 200-300 đồng/kg). Bên cạnh đó, nông dân Campuchia cũng bỏ vụ, chúng tôi phải sang tận thị trường châu Phi để bán được hàng”, bà Hiền chia sẻ
Xuất khẩu phân bón tăng trưởng mạnh
Ngoài việc đảm bảo nguồn cung phân bón cho thị trường trong nước, PVCFC cũng đã không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, sản lượng, giá trị xuất khẩu được xây dựng tăng trưởng hàng năm, đóng góp vào các chỉ tiêu phát triển của công ty nói riêng và các chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Cà Mau nói chung. Trong đó, Campuchia với lợi thế về địa lý, tính tương đồng về mùa vụ với đồng bằng sông Cửu Long được công ty xác định là thị trường mục tiêu quan trọng.
Với xu hướng đó, 5 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm tại thị trường Campuchia đạt xấp xỉ 63.000 tấn, đạt 96% kế hoạch và tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, với 212,867 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 1,76 lần về trị giá. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu phân bón đạt con số cao kỷ lục như vậy.
Giá phân bón xuất khẩu trong tháng 5 tăng nhẹ 0,9% so với tháng 4 và tăng 14% so với tháng 5/2020, đạt trung bình 342,3 USD/tấn. Tính chung trong cả 5 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cũng tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 322 USD/tấn.
Các loại phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia và chiếm 37% trong tổng lượng và 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước trong 5 tháng đầu năm nay, đạt 214.136 tấn, tương đương 72,7 triệu USD, tăng mạnh 63,3% về lượng và tăng 76,5% kim ngạch so với cùng kỳ, giá cũng tăng 8,1%, đạt 339,5 USD/tấn.
Xuất hàng tại cảng của Nhà máy Đạm Cà Mau
Xuất khẩu sang Malaysia đạt 41.293 tấn, tương đương 8,6 triệu USD, giá 208,2 USD/tấn, giảm cả về lượng và kim ngạch, tuy nhiên giá xuất khẩu tăng tương đối cao gần 23%.
Xuất khẩu sang Lào đạt 24.330 tấn, tương đương 8,98 triệu USD, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, tăng 9,3% về lượng và tăng 4,3% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá giảm 4,5%, đạt 369 USD/tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Philippines và Mozambique mặc dù kim ngạch không lớn, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng rất mạnh.
Sở dĩ lượng phân bón xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ là do cuối năm 2020, thị trường phân bón 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn thách thức khi lượng hàng hóa tồn kho cao, tình hình thiên tai, như hạn mặn tại Tây Nam Bộ, hạn hán tại Đông Nam Bộ – Tây Nguyên, Miền Trung, lũ lụt tại Miền Bắc có khả năng tái diễn.
Dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, xu hướng chuyển đổi cây trồng tại Tây Nam Bộ đã tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong ngành, khi nguy cơ về việc tồn ứ hàng hóa nghiêm trọng rất có thể xảy ra như trong quý 1/2020.
Do vậy, ngay từ cuối năm 2020 một số nhà sản xuất phân bón đã ký một số hợp đồng xuất khẩu giao hàng trong quý 1/2021 để giảm tồn kho, cân đối cung cầu trong nước.