Là nước đi sau, nhưng Camphuchia hiện đang nổi lên như một hiện tượng về xuất khẩu gạo. |
Thị phần rơi vào tay Campuchia
20 năm tham gia XK gạo, Việt Nam từ những bước đi chập chững đã vươn lên vị trí thứ 3 về XK gạo trên thế giới. Đó là một thành tích không ai phủ nhận được. Song, mấy năm trở lại đây, gạo Việt đang trên đà đi xuống khi liên tiếp “hứng đòn” như thị trường XK thu hẹp, bị cạnh tranh gay gắt khi các nước tăng cường sản xuất gạo. Đáng chú ý, trong khi các nước tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao thì Việt Nam vẫn mải miết sản xuất gạo năng suất cao. Điều này đã khiến cho giá và lượng gạo XK giảm mạnh. Ngay cả thị trường NK lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 35% thị phần), lượng và giá XK cũng giảm mạnh lần lượt là 23% và 13% trong 6 tháng đầu năm 2016. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do gạo Việt đã và đang bị gạo Campuchia, gạo Thái Lan giành mất thị phần.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nếu thị trường Mỹ năm 2014 chúng ta bán được 70.000 tấn, Thái Lan bán được 400.000 tấn gạo thì đến năm sau, Thái Lan bán được hơn 400.000 tấn, còn Việt Nam sụt xuống chỉ còn 44.000 tấn. Tương tự, gạo Việt XK vào thị trường EU cũng giảm từ 24.000 tấn xuống còn 20.000 tấn năm 2014 và 18.000 tấn năm 2015.
Không chỉ ở thị trường quốc tế, Campuchia còn đang dần thâm nhập thị trường trong nước. Chuyên gia về nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho biết, mỗi năm Campuchia chỉ XK mấy chục nghìn tấn gạo nhưng bán sang Việt Nam là nhiều nhất. Thương lái Việt Nam sang mua gạo Campuchia về để bán cho người tiêu dùng. Lý do người tiêu dùng chọn gạo Campuchia vì gạo này ngon, thơm cơm, hơn nữa giá cũng mềm và người tiêu dùng cho rằng gạo Campuchia an toàn.
Trên thực tế, ở Campuchia, họ trồng giống lúa mùa, 6 tháng/vụ và một năm chỉ có 1 vụ mùa, nên thời tiết thuận lợi hơn, ít sâu bệnh hơn, ít phải bón phân và thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, thường những giống trồng dài ngày thì có chất lượng ngon hơn giống ngắn ngày. Trong khi đó, ở Việt Nam, đất được tận dụng một năm 3 mùa vụ, chủ yếu là giống ngắn ngày. Để cho năng suất cao, người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. “Người Việt chuộng gạo Campuchia là có nhưng cũng chỉ những người có kinh tế khá giả và khi kinh tế khá lên người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn”, ông Xuân nói.
Một lý do khác khiến người tiêu dùng lựa chọn gạo Campuchia là bởi gạo Campuchia ngon hơn một số loại gạo thơm của Việt Nam như gạo giống ST, Jasmine, japonica… Ông Xuân tiết lộ: “Việt Nam dù có những giống lúa thơm nhưng diện tích trồng loại lúa này chỉ trong vùng đất 500ha (ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Nếu đem hạt giống gieo trồng ngoài vùng đó thì gạo không còn thơm nữa”.
Học cách tạo thương hiệu
Có thể thấy, Campuchia nổi lên như một “hiện tượng” trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Chỉ mới đặt chân vào lĩnh vực này 5 năm mà gạo Campuchia đã trở nên nổi tiếng trên thế giới (3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu để trưng bày tại Hội chợ thương mại lương thực được tổ chức ở Bangkok - Thái Lan), đây có lẽ là điều khiến Việt Nam phải nhìn lại. Không thể chạy đua với Thái Lan- nước đã đi trước chúng ta hàng trăm năm nay, việc học theo cách làm của Campuchia cũng là một ý tưởng được giới chuyên gia gợi ý.
Chia sẻ về cách làm của Campuchia, chuyên gia Võ Tòng Xuân nói: “Việt Nam chắc chắn làm được giống như Campuchia”. Theo vị chuyên gia này, trước kia, Campuchia cũng làm rất nhiều giống lúa khác nhau nhưng khi có Ngân hàng Thế giới đến tài trợ, giúp chuyên viên khảo sát, đánh giá để xây dựng giống lúa ngon nhất thì tình thế đã khác. Sau khi chọn được giống lúa, Campuchia đã tiến hành nhân giống, đồng thời lựa chọn một số DN quyết tâm muốn làm ăn lâu dài với hạt gạo để đào tạo giúp DN nắm được cách quản lý, chế biến gạo sao cho tốt nhất. Mặt khác, nước này cũng cho vay để DN có tiền sắm máy móc, thiết bị chế biến lúa gạo và cấp kinh phí đi triển lãm ở các hội chợ. Với cách làm này, nhiều người đã biết đến gạo Campuchia.
“Học theo Campuchia dễ nhưng có thể chúng ta không muốn làm. Bây giờ, nếu mình trồng giống kiểu như Campuchia thì hỏi ai trồng. Người nông dân không thích trồng giống lúa dài ngày, năng suất thấp. Việt Nam vẫn sản xuất chạy theo sản lượng, một năm 3 vụ, mỗi vụ năng suất khoảng 4-6 tấn/ha. Như vậy không thể nào có giống ngon được. Nếu có ngon thì cũng dẻo dẻo chút thôi chứ không thể nào bằng gạo Campuchia được”, ông Xuân buồn rầu chia sẻ. Vì thế, Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức, quan tâm đến giống đặc sản lúa mùa năng suất thấp, ngon cơm thì có thể phát triển tương đối dễ.
Hơn thế, học theo cách làm của Campuchia còn giúp Việt Nam xây dựng được thương hiệu gạo nhanh hơn cách làm mà các bộ, ngành đang đề xuất. “Quyết định làm thương hiệu gạo Việt Nam đã có cả 2 năm rồi nhưng làm không được, bởi Bộ NN&PTNT đưa ra dự án quá nhiều tiền, trong khi các nước làm rất đơn giản. Ví dụ như Campuchia. Dứt khoát Việt Nam phải làm lại chương trình lúa gạo, chọn ra vài giống đặc sản có đặc tính nổi trội về mùi vị, cảm ứng với phân bón, sâu bệnh, đặc biệt có năng suất tương đối để nông dân chấp nhận”, ông Xuân gợi ý.