Theo thông báo của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, kể từ sáng nay (1/11), giá gas bán lẻ được điều chỉnh giảm 3.333 đồng/kg so với tháng 10 (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương giảm 40.000 đồng/bình 12 kg.
Theo đó, các thương hiệu gas: Saigon Petro, Thủ Đức gas, Pacific gas, City Petro gas, EFF gas… đều giảm 40.000 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ gas tối đa đến tay người tiêu dùng giảm xuống còn 349.000 đồng/bình 12kg.
Từ hôm nay (1/11), giá gas giảm 40.000 đồng/bình 12 kg.
Lý giải nguyên nhân giá gas điều chỉnh đi xuống, một số doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, giá gas bình quân nhập khẩu thế giới áp dụng cho tháng 11 công bố ở mức 532,5 USD/tấn. So với tháng 10 vừa qua, giá gas thế giới đã giảm tới 122,5 USD/ tấn.
Trao đổi với TBKTSG Online, Ông Lê Quang Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro), chủ sở hữu các thương hiệu gas như Pacific, City, Eff… cho biết, đây là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, bù đắp gần hết tổng mức tăng của 6 tháng trước đó cộng lại.
“Giá gas tăng liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 10 vừa qua với tổng mức tăng là là 62.000 đồng/bình 12kg. Nhưng chỉ một tháng giảm là đã kéo xuống 40.000 đồng/bình 12kg”, ông Tuấn nói.
Việc giá gas giảm tháng này được nhận định do bị chi phối bởi các yếu tố địa chính trị phức tạp trên thế giới. Và mức giảm mạnh kể trên đã khiến các doanh nghiệp gas trong nước lỗ nặng do còn nhiều hàng tồn kho. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp còn mới nhập hàng về.
Ngược lại, các đại lý, cửa hàng bán lẻ lại “lời to”.
Nguyên nhân là các đại lý, cửa hàng đã được các thương nhân “bao giá” từ ngày 25/10. Nghĩa là, trong khoảng thời gian từ 25 đến 31/10, đại lý có thể lấy hàng với mức giá áp dụng từ tháng 11 (giảm 40.000 đồng/bình 12kg). Do vậy, biên lợi nhuận trên mỗi bình gas của các đại lý trong tháng này rất cao.
Việc “bao giá” này phổ biến trong thị trường gas. Theo đại diện các thương nhân, sở dĩ họ phải “o bế” các đại lý như vậy bởi cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. “Miếng bánh thị trường có bấy nhiêu nhưng gần 20 hãng chia nhau. Các hãng phải đua nhau chiều lòng đại lý là vậy”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.