Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.858 USD/ounce - tăng 31 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. Tính chung, trong tuần giá vàng thế giới tăng 48 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Số liệu mới công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng đầu năm 2022, sau khi tăng 0,5 trong tháng cuối cùng của năm 2021. Chỉ số lạm phát hàng năm đã chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm qua là 7,5%, cao vượt mọi dự báo của giới chuyên gia.
Vàng tăng giá khi thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể lựa chọn tăng lãi suất khẩn cấp trước cuộc họp tháng 3 để kiềm chế lạm phát. Ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyển sang kim loại quý trong bối cảnh tâm lý chấp nhận rủi ro lan rộng trên thị trường.
Báo cáo lạm phát cao gây sốc của Mỹ trong tuần này đã làm tăng thêm sự không chắc chắn liên quan đến kế hoạch thắt chặt của Fed. Goldman Sachs hiện dự kiến tới 7 lần tăng 25 điểm cơ bản trong năm nay. Cũng có sự đồng thuận ngày càng tăng đối với việc tăng 50 điểm cơ bản vào tháng Ba. Và một số khác thậm chí không loại trừ một động thái khẩn cấp của Fed trước cuộc họp tháng Ba.
Chủ tịch James Bullard của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis thậm chí đã lên tiếng ủng hộ những quan điểm diều hâu này, tuyên bố rằng, ông ủng hộ tỷ lệ tài trợ được cung cấp đạt 1% chỉ sau ba cuộc họp.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 2%, mức chưa từng thấy kể từ tháng 8/2019. "Biểu đồ giá vàng có vẻ mang tính xây dựng. Nguyên nhân trước mắt là do dữ liệu lạm phát nóng. Và Fed hiện đang đánh mất niềm tin của nhà đầu tư. Có vẻ như họ đang cố gắng sửa chữa những gì đã là một sai lầm trong chính sách. Và vàng đang được hưởng lợi từ sự hoảng loạn đó”, chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins, Everett Millman nhận định.
Có thể tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3, nhưng điều thậm chí còn có khả năng hơn là Fed chọn thực hiện tăng lãi suất vào giữa các kỳ họp của FOMC. "Có một số tiền lệ cho điều đó. Phản ứng tức thì đối với một trong hai động thái đó sẽ là bán tháo đối với vàng. Nhưng nhìn chung, sự khởi đầu của chu kỳ tăng lãi suất sẽ là xu hướng tăng giá đối với vàng", Millman nói.
Tuy nhiên, "Dựa trên các quan sát lịch sử, bất cứ khi nào Fed bắt đầu tăng lãi suất thì vàng đã hoạt động tốt ngay từ đầu." Trong khi tỷ lệ cược đang tăng lên đối với đợt tăng 50 điểm cơ bản, chiến lược gia thị trường cấp cao Frank Cholly của RJO Futures nhận định, việc tăng lãi suất khẩn cấp trước cuộc họp là khó có thể xảy ra.
Trên thực tế, giá vàng thế giới đã phá vỡ thành công ngưỡng 1.850 USD/ounce trong tuần này. Kim loại quý đã cố gắng tiếp cận mức kháng cự này nhiều lần trong vài tuần qua nhưng đều không thành công. Chuyên gia Cholly chỉ ra rằng, vàng đã có một cuộc biểu tình ấn tượng dựa trên tất cả các dữ liệu lạm phát. Vàng đang bắt đầu chấp nhận thực tế là lãi suất sẽ tăng cao hơn khi lạm phát kéo dài hơn.
Đây là lạm phát thực và vàng cuối cùng cũng bắt đầu chấp nhận điều này. Giá vàng đã đạt được mức bật lên trên 1.850 USD. Trong khi đó, phạm vi an toàn của vàng là từ 1.800 đến 1.850 USD/ounce. Về dài hạn, Cholly cho rằng, kim loại quý có thể sẽ tăng trên 1.900 USD/ounce vào giữa năm.
Ảnh minh họa. Ảnh: VTV.vn
Giá trái cây tăng vọt trở lại
Trước Tết Nhâm Dần, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu. Tình tạng này kéo dài tới gần 2 tháng khiến nhiều loại trái cây vào chính vụ lao dốc, giá rẻ như cho. Có thời điểm, giá thanh long giảm sâu, có nơi chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Tại Bình Thuận, Tiền Giang và Long An, khoảng 300.000 tấn thanh long sẽ cho thu hoạch vào quý 1/2022. Trung Quốc là thị trường chính, chiếm 80% lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Việc “tắc đường” sang quốc gia 1,4 tỷ dân này làm cho giá thanh long giảm chạm đáy.
Tuy nhiên, sau thời gian Tết Nguyên đán, tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, những chuyến hàng xoài, mít, thanh long… đầu tiên trong năm nay đã được xuất sang Trung Quốc. Từ mùng 3 Tết đến nay đã có khoảng 300 container hàng nông sản được xuất khẩu.
Còn tại các cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai) hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được duy trì trong những ngày Tết. Đã có khoảng 500 container hàng được xuất đi, trong đó phần lớn là hàng nông sản.
Giá các loại trái cây theo đó cũng tăng vọt trở lại, gấp 4-5 lần thời điểm trước Tết. Nhà vườn phấn khởi, tất bật thu hái để kịp xuất hàng sang Trung Quốc.
Một nhà vườn trồng thanh long ở Bình Thuận cho hay, thương lái đang tranh nhau mua thanh long với giá cao. Ngày hôm qua, nhà vườn cắt bán 8 tấn thanh long với giá 15.000 đồng/kg. Trong khi thời điểm trước Tết, hàng này chỉ bán được với giá 3.000 đồng/kg
Theo người chủ, đây là thanh long nghịch vụ, hàng không có nhiều. Thời điểm này thương lái "ăn hàng" để đưa sang Trung Quốc kịp rằm tháng Giêng Âm lịch. Đặc biệt, thanh long cũng đã thông quan tại nhiều cửa khẩu, không còn ùn ứ như trước.
Với giá này, sau khi trừ đi chi phí chăm sóc, phân bón, chong đèn... chủ nhà vườn lãi trên dưới 100 triệu đồng.
Mấy ngày sau Tết Nhâm Dần, giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận được thương lái thu mua tại vườn khoảng từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn hàng ít, nhiều nông dân không có thanh long chín để bán. Theo đó, từ nay đến cuối tháng 3, sản lượng thanh long toàn tỉnh đến kỳ thu hoạch ước khoảng 50.000 tấn.
Tại các tỉnh miền Tây, giá nhiều loại trái cây cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, giá mít Thái loại 1 được thu mua với giá 24.000 - 25.000 đồng/kg, loại 2 từ 12.000 - 14.000 đồng/kg. So với trước Tết, giá mít tăng thêm khoảng 6.000 - 10.000 đồng/kg.
Tương tự, dưa hấu sau Tết cũng tăng lên mức 12.000 - 14.000 đồng/kg, cam sành 17.000 đồng/kg, chuối 8.000 đồng/kg...
Có thể thấy, nguồn cung hàng đang bước vào thời kỳ khan hiếm hơn trước Tết, cộng thêm xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đã thông thương trở lại đã đẩy giá trái cây đồng loạt tăng mạnh.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã chính thức mở cửa thông quan trở lại từ mùng 3 Tết. Nhờ đó, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được nối lại, không còn ách tắc như thời điểm trước Tết. Đáng chú ý, những chuyến hàng đầu tiên sang Trung Quốc chủ yếu là các loại nông sản như xoài, mít và thanh long.
Giá rau xanh tiếp tục tăng
Ngày 8/2, ghi nhận tại các chợ Phú Gia (quận Tây Hồ), Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa), Gia Lâm (quận Long Biên)…, nhiều quầy hàng chỉ bày bán một số chủng loại rau chính như bắp cải, rau cần, cải cúc, cà chua, xà lách, cải thảo…, trong khi một số loại rau như cải xoong, cải chíp, su hào… gần như thiếu vắng. Do lượng rau về chợ không nhiều nên chỉ khoảng 11 giờ là nhiều quầy hàng không còn rau để bán. Chị Mai, kinh doanh rau xanh tại chợ Gia Lâm cho biết, dịp này mưa rét dài ngày, rau bị úng nước, dập nát nhiều nên chị chỉ lấy được một số loại rau như bắp cải, cà chua, cải cúc, rau cần… “Nhiều người hỏi mua rau cải xoong, cải chíp… nhưng vì chỉ lấy được ít hàng nên tôi không còn để bán. Mà giá rau hôm nay còn cao hơn hôm mùng 3, mùng 4 tháng Giêng”, chị Mai nói.
Tương tự, anh Tô Tiến Hợp, vận chuyển rau xanh từ huyện Đông Anh tới chợ Phú Gia bán cũng cho hay, dịp này, nguồn cung rau ít hơn. Trời mưa rét kéo dài khiến nhiều loại rau chưa kịp lên. “Trước Tết, giá rau quá rẻ, nhiều người bỏ không trồng. Giờ nguồn rau ít, mà các hàng quán lại mở nhiều hơn khiến sức mua tăng nên giá cũng tăng theo”, anh Hợp cho biết thêm.
Cụ thể, bắp cải tăng giá gấp đôi, lên 15.000 đồng/kg; cải cúc, cải ngọt, rau muống... từ 10.000 đến 12.000 đồng/mớ, tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng/mớ; su su 15.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg. Cà chua cũng tăng giá gấp đôi, lên 30.000 đồng/kg. Đặc biệt sau Tết, người dân chuyển sang ăn các món lẩu nên giá rau cần tăng mạnh nhất, từ 7.000 đồng lên 15.000 - 20.000 đồng/mớ…
Chị Minh Anh, ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa cho biết: “Hôm mùng 4 tháng Giêng, giá rau cao cũng là điều dễ hiểu bởi vẫn còn Tết. Nhưng hôm nay, giá rau tăng mạnh hơn, 10.000 đồng chỉ được mớ cải cúc bé xíu”.
Trái ngược với giá rau xanh, giá các loại thủy sản gần như “đứng yên”. Trong đó phổ biến là cá chép chỉ 60.000 - 80.000 đồng/kg, chép giòn 120.000 - 140.000 đồng/kg, trắm trắng cắt khúc 70.000 - 90.000 đồng/kg, ngao trắng 25.000 đồng/kg…
So với những ngày sát Tết, ngày 8/2, giá thịt bò, thịt lợn, gà ta cũng không có biến động nhiều, tuy vẫn nhích lên so với ngày thường. Cụ thể, thịt lợn vai giòn có giá 150.000 - 180.000 đồng/kg, ba chỉ 140.000 - 150.000 đồng/kg, sườn non 160.000 - 180.000 đồng/kg. Giá thịt bò phổ biến ở mức: Dẻ sườn bò 240.000 - 260.000 đồng/kg, thăn và bắp bò 300.000 - 330.000 đồng/kg… Giá thịt gà ta làm sẵn ở mức từ 140.000 đến 180.000 đồng/kg…
Các tiểu thương cho biết, hiện nguồn cung còn hạn chế do nhiều lò mổ chưa hoạt động trở lại. "Năm nào cũng phải sau Rằm tháng Giêng, giá các mặt hàng mới trở lại như bình thường", chị Phương, kinh doanh thịt lợn tại chợ Ngô Sĩ Liên, nói.
Xăng, dầu đồng loạt tăng giá
Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn với xăng RON 95 ở mức 50 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg. Trong khi đó, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít và dầu diesel là 400 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn giá, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều nay như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 980 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 960 đồng/lít. Dầu diesel tăng 960 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 960 đồng/lít; Dầu mazut tăng 660 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5RON92 không cao hơn 24.570 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 25.320 đồng/lít. Dầu diesel không cao hơn 19.860 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 18.750 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 17.650 đồng/kg.
Đây là kỳ điều hành lần thứ ba của liên bộ Công Thương - Tài chính kể từ khi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực. Theo đó, kể từ ngày 2/1, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần.
Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Việc này sẽ giúp giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến của giá thế giới, tránh tăng sốc và giảm chậm so với biến động của giá thế giới.
Tuy vậy, do kỳ nghỉ vào ngày 1/2 vừa qua rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên theo quy định sẽ không điều chỉnh giá vào kỳ này mà chuyển sang kỳ kế tiếp vào hôm nay (11/2).
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm công suất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cộng thêm việc kéo dài kỳ điều chỉnh giá trong khi giá thế giới tăng, khiến cho doanh nghiệp rơi vào khó khăn "kép", vừa khan hàng vừa chịu sức ép giá thế giới tăng, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng hạn chế bán ra hoặc nghỉ bán.