Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, 2021 là một năm đặc biệt khi ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng vừa phải chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, vừa phải kiểm soát dịch trên động vật như dịch tả lợn châu Phi hay cúm gia cầm.
Người dân chọn mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh minh họa.
Mặc dù vậy cho đến nay, qua kết quả thống kê sơ bộ, các chỉ tiêu của ngành chăn nuôi đều đạt và vượt. Cụ thể, thịt lợn đạt 4,18 triệu tấn, vượt 20% so với kế hoạch đề ra. Gia cầm đạt gần 2 triệu tấn, tăng tới 32% so với kế hoạch...
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, các sản phẩm chăn nuôi phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2022 như thịt, trứng, sữa… đều tăng. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần phải tăng cường xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong dịp Tết cổ truyền.
“Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động nguồn cung trong nước đối với những sản phẩm cơ bản như thịt, trứng, sữa… Qua đó có thể thấy sức sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là rất lớn” - ông Tống Xuân Chinh nhận định.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói riêng, sản phẩm chăn nuôi nói chung, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng cần có những kế hoạch, biện pháp, lời giải cụ thể cho bài toàn cung cầu trong năm 2022; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, không có khách du lịch, các bếp ăn tập thể chưa hoạt động…
“Vấn đề là cần làm cho người dân yên tâm sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng và tìm được những doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Từ đó tiến tới giảm tải cho nguồn cung trong nước...” - ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm.
Liên quan đến thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa dịp Tết Nguyên đán 2022, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp lên tiếng sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới. “Qua đây, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích...” - thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhìn nhận hiện nay hàng trăm ngàn tấn thanh long, mít, xoài, bưởi, dưa hấu đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu Trung Quốc gần như đóng cửa. Chính vì vậy, các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ. ”Đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ NN&PTNT sẽ làm hết mình với vai trò kết nối” – thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.