Chị Trịnh Hiền, nhà ở phường Long Thạnh Mỹ (quận 9) cho biết các điểm bán thịt heo được trải bạt ngay trên nền đất ven đường liên tục mọc lên dọc các tuyến đường quanh khu nhà chị, từ đường lớn Lê Văn Việt đến Nguyễn Văn Tăng, các đường nhỏ Nguyễn Xiển, Phước Thiện. Thịt heo được rao là heo nhà nuôi, không bán được nên bà con tự mổ, mang lên TP.HCM bán giá rẻ. Mức giá buổi chợ sáng là 40.000 đồng/kg, chiều là 100.000 đồng/3 kg.
Dọc đường Đỗ Xuân Hợp và quanh các chợ nhỏ, các tuyến đường ở phường Phước Long B (quận 9) điểm bán thịt heo vỉa hè cũng liên tục mọc lên và ngày càng dày đặc. Giá bán cho người mua nhiều là 100.000 đồng/3 kg. Nếu mua lẻ thì các loại thịt đều bán đồng giá 40.000 đồng/kg, riêng ba rọi là 50.000 đồng/kg.
Thịt heo bày bán ven đường với giá 100.000 đồng/3 kg. Ảnh: H. Nguyên. |
Xung quanh các tuyến đường thuộc quận 2 như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Thịnh điểm bán thịt cũng mọc dày đặc.
Thấy khách nghi ngại thịt giá rẻ, một chủ hàng thịt bán bên ngã 3 đường Đỗ Xuân Hợp chia sẻ rất thật, heo nhà chị là heo quá lứa. Chị nuôi gia công cho doanh nghiệp nhưng giá xuống thấp, công ty lại thu mua chậm. Đàn heo hơn 100 con đến thời điểm xuất chuồng cùng lúc nhưng chỉ bán được gần 40 con đẹp. Số còn lại đợi không thấy người mua. Heo có con đến gần 140 kg, ngày càng tốn thức ăn nên chị mổ bán.
Mỗi ngày, gia đình chị 5 người chia nhau bán ở 3 điểm, cũng giải quyết được 2-3 con heo.
Chị này cũng cho biết ngoài heo quá lứa, khá nhiều heo nái thải loại, heo nái được các hộ dân dừng nuôi cũng được mổ mang lên TP.HCM bán giá rẻ.
Điều đáng nói là thịt tại tất cả các sạp bán tự phát giá rẻ này không hề được quản lý, đóng dấu kiểm dịch. Các điểm bán cho biết một số hộ mang heo đến lò mổ thuê giết mổ, còn phần nhiều tự giết mổ, tự mang đi bán mà không có cơ quan thú y nào kiểm tra.
Thịt heo đổ bán tràn lan ven đường khói bụi, nắng gió khó đảm bảo an toàn thực phẩm khiến nhiều người tiêu dùng ái ngại.
Thịt vỉa hè, ven đường không hề có sự quản lý, kiểm dịch của cơ quan thú y. Ảnh: H.Nguyên. |
Ông Võ Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết thực tế người chăn nuôi ở Đồng Nai đã chịu cảnh rớt giá suốt 8 tháng qua. Lượng heo tồn trong dân không còn nhiều, bởi họ không có vốn duy trì chăn nuôi tiếp theo sau giai đoạn lỗ. Có khoảng 60-70% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (trại dưới 500 heo thịt) ở tỉnh này đã phá sản, treo chuồng.
Chuyện người dân mang heo bán khắp nơi tại TP.HCM, ông Đoán cho rằng cần xem xét lại là heo của hộ dân nuôi nhỏ lẻ hay heo nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn. Các công ty lớn suốt thời gian qua không báo cáo số lượng đàn, tình hình dư thừa ra sao nên hiệp hội không thể nắm được.
“Tuy nhiên, họ tồn nhiều nên liên tục đẩy ra thị trường, gây tồn đọng, kéo giá giảm liên tục”, ông Đoán nói.
Hiện giá heo hơi tại thủ phủ chăn nuôi này cũng chỉ quanh mức 23.000-26.000 đồng/kg. Mức giá này không tăng so với đỉnh điểm khó khăn của nông dân. Và với tình hình như hiện nay, các hộ nuôi khẳng định có thể đến hết năm giá mới có thể cải thiện.
Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng phải xác định cuộc giải cứu heo hơi là cuộc giải cứu lớn, giải cứu ngành chăn nuôi chứ không phải giải cứu người chăn nuôi. Mấu chốt là phải có số liệu heo tồn từ các công ty lớn, phải kiểm soát được số lượng của các công ty này chứ không phải cứ ép nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, trước khi “giải cứu”, đàn heo của tỉnh có trên 2 triệu con và hiện còn khoảng 1,6 triệu con.
Điều đáng nói, do hộ nhỏ lẻ không dám tái đàn, bỏ chuồng trại nên heo con cai sữa đang rớt giá thảm hại, chỉ còn 200.000-300.000 đồng/con, người nuôi lỗ khoảng 500.000 đồng/con giống này nhưng bán không ai mua. Các hộ nuôi nái tiếc lại nuôi thịt, mức lỗ lại tăng. Trung bình nuôi một con heo thịt lỗ khoảng 1 triệu đồng. Một số hộ thấy heo con quá rẻ đang bắt đầu “liều” mở chăn nuôi lại.