Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe đắt tiền dưới 9 chỗ ngồi có dung tích động cơ từ 2,5 lít trở lên sẽ tăng mạnh. Xe càng có dung tích lớn thì mức tăng thuế càng cao (tăng 60-150% với dòng xe trên 6 lít).
Điều đó đã khiến trào lưu “chạy thuế” này vốn không mới nhưng có vẻ còn lâu mới cũ khi mà tâm lý số đông của khách hàng cùng sự bất ổn trong chính sách thuế cho mặt hàng ô tô còn hiện hữu.
Theo Tổng cục Hải quan, dù số lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc trong nửa đầu tháng 6 chỉ đạt hơn 3.600 xe, giảm so với cùng kỳ, song xe dưới 9 chỗ ngồi lại tăng mạnh. Cụ thể là trong 15 ngày, đã có gần 1.400 ôtô loại này nhập cảng, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2015.
Cùng với đó, giá trung bình mỗi chiếc xe được nhập về lại tăng mạnh, đạt bình quân 27.800 USD và đắt hơn khoảng 10.000 USD mỗi chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng trước, mức giá trung bình xe nhập về kỳ vừa rồi cũng đắt gấp 2,5 lần. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá xe nhập khẩu bình quân là 16.900 USD một chiếc, tăng 40% so với cùng kỳ 2015.
Thời gian |
Lượng nhập ôtô dưới 9 chỗ(chiếc) |
Giá trị |
Giá TB |
Nửa đầu tháng 6/2015 |
1.012 |
18,4 |
18.200 |
Nửa đầu tháng 6/2016 |
1.392 |
38,7 |
27.800 |
1/1-15/6/2015 |
16.834 |
204 |
12.000 |
1/1-15/6/2016 |
18.261 |
308 |
16.900 |
Số liệu của hải quan cũng cho thấy, từ tháng 4 đến nay, lượng nhập khẩu từ các thị trường nhập xe đắt tiền truyền thống của Việt Nam như Đức, Nhật, Canada... tăng mạnh so với cùng kỳ, thậm chí gấp 3-6 lần. Giá xe trung bình nhập về từ châu Âu, châu Mỹ cũng tăng 10-30%.
Trong số này, lượng xe nhập từ Pháp tuy giảm nhưng giá bình quân lại tăng hàng chục lần, dao động từ 100.000 USD đến 266.000 USD mỗi chiếc. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam chỉ nhập 15 chiếc xe từ Pháp, song giá bình quân khi về cảng (chưa bao gồm thuế) tương đương 151.600 USD, tức là gần 3,8 tỷ đồng mỗi chiếc. Cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam nhập hơn 100 chiếc xe từ quốc gia này nhưng chủ yếu là nhóm giá rẻ, giá trung bình khoảng trên dưới 10.000 USD.
Một đại gia kinh doanh xe sang cũng nhận định chưa có lúc nào số lượng các dòng xe này về Việt Nam nhiều như thời gian gần đây. Ngay sau khi cập các cảng của Việt Nam, những chiếc siêu xe, xe sang liên tục được khui container, làm các thủ tục nhập khẩu cho kịp mốc 1/7.
Các hãng xe sang chạy đua với luật thuế. |
Ông T - chủ một showroom xe nhập hạng sang tại Long Biên, Hà Nội - cho biết “thị trường đang sôi động lắm” và đơn vị nhập xe nào cũng “vắt chân lên cổ” để lo thủ tục giấy tờ cho các mẫu xe mới về cảng. Ông này cho biết đã nhập cả trăm chiếc xe hạng sang thuộc nhãn Land Rover, Bentley và cả chục chiếc Ferrari đời mới và hiện đang hoàn tất thủ tục cho mấy lô xe mới cập cảng.
Sự náo nhiệt này cũng đang diễn ra ở TP HCM khi hàng loạt mẫu xe đắt tiền như Audi R8 V10 Plus, Ferrari F12, 488, Rolls-Royce Wraith, Bentley Mulliner... liên tục về nước.
Không chỉ các showroom nhập ngoài mà các nhà phân phối chính thức hay liên doanh xe cũng rốt ráo thực hiện các đơn hàng đang xếp dài cho các dòng xe sẽ tăng giá mạnh sau ngày 1-7. Bên cạnh đó, các nhà phân phối cũng khéo léo công bố sớm mức giá mới để thúc đẩy khách hàng rút ví mua xe sớm.
Theo đại diện truyền thông của Mercedes-Benz Việt Nam, tới thời điểm hiện tại (24-6), hầu hết các đại lý của nhà phân phối này đã bán xe với giá mới áp dụng sau 1-7, đồng thời tập trung “trả nợ” xe cho rất nhiều khách hàng đặt mua để né thuế trước đó.
Từ ngày 1-7 tới, giá các dòng xe dung tích lớn, đặc biệt là xe siêu sang sẽ tăng tới vài chục tỉ đồng. Do đó, thời gian này là cơ hội để giới giàu Việt Nam thể hiện “sự chịu chơi một cách tiết kiệm”, còn với các đơn vị phân phối đây là dịp để “được ăn cả ngã về không” vì nếu kịp nhập xe chạy thuế và bán được sau 1-7 với mức giá mới, mức lợi nhuận sẽ là “siêu khủng”.
Chẳng hạn, một chiếc Lexus LX570 sẽ tăng giá từ 5,6 tỉ lên 7,3 tỉ đồng từ ngày 1-7. Do đó, nếu mua bán trót lọt, lợi nhuận của nhà phân phối có thể lên tới 1,7 tỉ đồng chỉ riêng cho chuyện chênh thuế mà chưa tính tới mức lợi nhuận đã có trong giá xe.
Trên thực tế, dù giá xe ở mức cao nhất khu vực và gấp tới gần 3 lần giá xe tại Mỹ nhưng nhu cầu mua xe được đánh giá là cao và sự chịu chơi của giới nhà giàu Việt Nam cũng khiến nhiều nước phải nể nên trước mỗi lần giá xe có sự biến động lớn vì chính sách thuế phí, thị trường lại được phen nháo nhào.
“Thuế phí hay thay đổi, nhu cầu có ôtô như một phương tiện che nắng mưa hay để thể hiện luôn cao và nhiều người có tâm lý số đông, không mua sợ thiệt là những yếu tố khiến thị trường xe Việt Nam luôn nóng-lạnh bất thường. Sau cuộc chạy đua lần này, thị trường xe sang chắc sẽ lại mất nhiệt cho đến khi có những biến động mới” - một chuyên gia trong lĩnh vực ôtô nhận xét.