Hoàng Anh Gia Lai được xem là doanh nghiệp thua lỗ "khủng" nhất sau khi có báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trong 6 tháng qua.
Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2016, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đạt 3.658 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 591 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có khoản lỗ bất thường 941 tỷ đồng và chi phí lãi vay 782 tỷ đồng khiến công ty này lỗ trước thuế 1.075 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ được lý giải xuất phát từ việc thanh lý dự án bất động sản tại TPHCM 413 tỷ đồng; đánh giá lại các tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các khoản lỗ do lãi vay. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ "khủng" của HAGL được nhận định là tập đoàn này chuyển hướng đầu tư tập trung vào mảng nông nghiệp nhưng chưa đem lại lợi nhuận cao.
Thông tin công bố tại báo cáo của HĐQT cho thấy, trong nửa đầu năm nay, HAGL thực hiện việc thanh lý các dự án bất động sản tại Việt Nam, thanh lý các dự án khoáng sản và các mảng kinh doanh không có triển vọng. Tổng chi phí bất thường do thanh lý các dự án và tài sản này là 944 tỷ đồng (chiếm khoảng 2% tổng tài sản hợp nhất).
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tấp 2 đại gia đồ gỗ gặp phải thua lỗ gần như cùng một kịch bản. Đó là tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường (TTF) Thành và Công ty CP NTACO (ATA).
Tại báo cáo tài chính quý II/2016 của của tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết khoản lỗ lên đến 1.123 tỷ đồng, trong khi quý trước lãi 54 tỷ. Lũy kế 6 tháng Gỗ Trường Thành thua lỗ 1.073 tỷ đồng.
Nguyên nhân các khoản lỗ được xác định là có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.
Cùng với đó, CTCP NTACO (ATA) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 với những số liệu gây “sốc” cho nhà đầu tư khi bất ngờ báo lỗ 426 tỷ đồng dù báo cáo tự lập trước đó, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng.
Trước đó, trong báo cáo tự lập được công bố, ATA ghi nhận số dư hàng tồn kho xấp xỉ 365 tỷ đồng và việc hàng tồn kho biến mất đã khiến ATA ghi nhận khoản lỗ đột biến trong năm 2015.
Không những các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất gặp thua lỗ, mà các công ty chứng khoán (CTCK) bị lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm nay.
Tiêu biểu đó là CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (AGR) trong 6 tháng đầu năm lỗ hợp nhất 163,8 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của AGR là do trích lập dự phòng gần 155 tỷ đồng do giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) theo giá thị trường đã giảm từ 275 tỷ đồng xuống hơn 60 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế tính tới thời điểm 30/6/2016 của Agriseco là hơn 320 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với đầu năm. Ngoài khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG, Agriseco hiện đang sở hữu gần 391 tỷ đồng trái phiếu của Vinashin, sẽ có tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh cuối năm 2016 và năm 2017 của Công ty. Bên cạnh đó, Agriseco đang phối hợp với các bên liên quan để thu hồi, xử lý cũng như khắc phục đối với khoản repo cổ phiếu GPBank.
Bên cạnh đó, nhiều CTCK khác cũng rơi vào tình trạng thua lỗ trong 6 tháng đầu năm. Chẳng hạn, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) lỗ 22,1 tỷ đồng, CTCK Đại Dương (OCS) lỗ 63 tỷ đồng, CTCK Phương Nam (PNS) lỗ hơn 5 tỷ đồng… Theo giải trình của các CTCK, mức lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản phải thu. Đối với VIG, mức lỗ 22 tỷ đồng là do Công ty bán các tài sản tài chính, thoái vốn cổ phiếu tự doanh.