Giá xăng giảm, hàng hoá vẫn "đứng hình"
Xăng dầu tăng liên tục từ đầu năm khiến hàng hóa, dịch vụ “té nước theo mưa” tăng theo giá xăng và thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, giá xăng dầu đã có 4 lần liên tiếp điều chỉnh giảm sâu (tương đương giảm hơn 7.000 đồng/mỗi lít xăng), nhưng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn chưa chịu nhúc nhích.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát lớn từ nay tới cuối năm, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, TP kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, đến nay giá hàng hóa tại các địa phương chưa có động thái giảm sau chỉ đạo của Thủ tướng.
Khách hàng mua hàng tại siêu thị MiniMart Dương Nội, quận Hà Đông
Khảo sát tại một số chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn Hà Nội ngày 4/8 cho thấy, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, bột giặt… vẫn ở mức cao. Theo chia sẻ của các tiểu thương, giá hàng hóa đã chững lại nhưng chưa giảm.
Cụ thể, tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), rau bắp cải 17.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg; củ cải, cà rốt 18.000 đồng/kg… Trong khi đó, các loại thịt tăng giá khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng. Cụ thể, thịt lợn 120.000 - 170.000 đồng/kg; gà ta 130.000 - 140.000 đồng/kg; vịt 70.000 đồng/kg; ngan 90.000 đồng/kg…
Không chỉ ở chợ dân sinh, tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cũng giữ giá cao chót vót. Khảo sát tại siêu thị MiniMart ở Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông), giá dầu ăn Simply loại 2 lít tăng 20.000/can; mỳ tôm Hảo Hảo tăng 15.000 đồng/thùng; mỳ Omachi tăng 20.000 đồng/thùng…
Chị Phượng - chủ siêu thị MiniMart chia sẻ: “Từ đợt xăng tăng giá đến nay, giá các mặt hàng nhập vào đều tăng. Mặc dù xăng giảm, nhưng hiện nay phía nhà cung cấp chưa có thông tin giảm giá nhập, nên chúng tôi chưa thể điều chỉnh giá bán lẻ”.
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu giảm, nhưng giá dịch vụ vận tải chưa giảm theo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Ví dụ, về đường bộ, có đến 80 - 90% DN vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10 - 15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7 - 10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên không tăng.
Về đường sắt, mặc dù tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21 - 29% nhưng thời gian vừa qua, do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng. Chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3 - 5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20 - 25% so với thời điểm cao nhất. Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải, trong đó có đường bộ, đường thủy tăng.
“Phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng, nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều, nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm” -Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết.
Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương vào cuộc
Để sớm ổn định thị trường hàng hóa, dịch vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương vào cuộc. Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstics cần rà soát kê khai giá cả của DN để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Đồng thời chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.
Về giá lương thực, thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Riêng mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, cần hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.
Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Công điện số 4436 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai những biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh, hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Bộ GTVT đã yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục cũng đã triển khai tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn sở GTVT để triển khai những quy định về kê khai niêm yết và Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang |