Vài năm trở lại đây, nữ trang giá rẻ từ nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc) đổ bộ vào Việt Nam làm cho Doanh nghiệp (DN) kim hoàn trong nước rất khó cạnh tranh. Hiện nhiều cửa hàng kim hoàn tại các chợ cũng bày bán các loại nữ trang nhập ngoại này, từ bạc, bạch kim đến các loại đá quý. Riêng năm nay, các loại nữ trang “giá bình dân” từ nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam còn đa dạng hơn với rất nhiều loại gắn đá, kim cương, saphia… Không chỉ nữ trang ngoại từ Trung Quốc, mà nhiều loại nữ trang tinh xảo của Hồng Kông, Ý cũng đã “đầy rẫy” trên các tiệm vàng bạc trong nước với giá cạnh tranh. Theo đại diện phòng nữ trang sỉ SJC, hàng Ý, Hồng Kông mẫu mã rất đẹp và đa dạng, nữ trang trong nước rất khó bì.
Trang sức Việt trước nguy cơ thua trên sân nhà. |
“Lép vế” mẫu mã
Không chỉ bị “ép” về mẫu mã, các DN trong nước cũng đối mặt với nguy cơ mất thị phần trên sân nhà khi giá cả vẫn thua… hàng nhập. Trong khi đó, DN và đơn vị sản xuất nữ trang của Việt Nam thường mạnh ai nấy làm, nên sản phẩm không đồng đều, và thường không “tung” được các đơn hàng lớn nên càng yếu thế so với hàng ngoại.
Đại diện Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết theo số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), giá trị vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam năm 2015 là 6,2 USD, chỉ bằng 60% của Malaysia và 7% của Singapore. Tỷ lệ tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam so với tổng tiêu thụ vàng chỉ chiếm 25%, trong khi tỷ lệ này tại các nước trong khu vực là trên 50% (ngoại trừ Thái Lan 14%). Ba năm trở lại đây, lượng vàng trang sức tiêu thụ tại Việt Nam đã liên tục tăng, đây là xu hướng tất yếu phù hợp chung với quá trình phát triển và là tiềm năng của ngành trang sức nội địa.
Sau khi tham gia hội chợ kim hoàn, trang sức tại Thái Lan vào tháng 2 vừa qua, giám đốc một DN vàng bạc đá quý lớn tại TP.HCM không khỏi lo ngại cho ngành trang sức Việt. Vị này cho hay: “Trang sức của các DN nước ngoài tại hội chợ đa dạng về mẫu mã, sắc nét. Trong khi hàng của chúng ta mang đi tham dự hội chợ dù đã được tuyển chọn nhưng nhìn thua sút hơn hẳn”.
Thực tế, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đều có thế mạnh về nữ trang, vàng bạc đá quý. Thái Lan có thế mạnh về nữ trang đính đá, nhưng nhiều DN cho biết họ ngán ngại nhất là những sản phẩm đến từ Indonesia. Đã từ lâu, các DN Indonesia đầu tư máy theo công nghệ Ý, cho ra các sản phẩm nữ trang khá sắc sảo. Sản phẩm nữ trang Ý được thị trường Việt ưa chuộng nên khi hàng từ Indonesia theo công nghệ Ý được đưa vào đã nhanh chóng chiếm thị phần. Kim ngạch xuất khẩu đồ trang sức của Indonesia trong 5 năm qua đã tăng hơn 70%, trong đó đồ trang sức bằng kim loại quý chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ trang sức.
Một lo ngại khác là các loại nữ trang thâm nhập thị trường Việt Nam sẽ dễ dàng hơn khi có sự hậu thuẫn của hệ thống phân phối mà các đại gia Thái Lan vừa thâu tóm như Metro, Big C. Trong khi đó, hiện cả nước có khoảng 10.000 tiệm vàng hoạt động, đây là hệ thống bán lẻ vàng chiếm thị phần lớn, nhưng trước những khó khăn của thị trường vàng trong nước hiện nay, các đơn vị không mặn mà đầu tư về thương hiệu, không có một chiến lược phát triển lâu dài nên miếng bánh thị phần nữ trang đang đứng trước nguy cơ sẽ rơi vào tay các nước trong khu vực.
Nguy cơ bị “đá” khỏi sân nhà
Hình minh họa. |
Nữ trang trong nước đuối sức trước hàng ngoại là do DN trong nước từ trước đến nay khi chế tác nữ trang chỉ tập trung chủ yếu vào chất liệu vàng. Trong khi vàng liên tục tăng giá nên nhu cầu trang sức của người tiêu dùng đã chuyển sang các mặt hàng với chất liệu khác giá bình dân.
Tổng giám đốc một công ty vàng cho rằng, dù rằng tay nghề thợ kim hoàn Việt giỏi nhưng ngành nữ trang hiện nay chưa được xem là ngành mũi nhọn như các quốc gia trong khu vực, chưa có những chính sách hỗ trợ phát triển. Do đó ngành nữ trang nội sẽ rất khó có thể cạnh tranh được với những sản phẩm của các nước trong khu vực ngay tại sân nhà. “Nếu như những khó khăn của thị trường vàng trong nước hiện nay không được sớm tháo gỡ, có thể vài năm tới chúng tôi sẽ đăng ký làm đại lý bán thuê sản phẩm cho phía nước ngoài”, vị giám đốc trên chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam(VGTA), nhìn nhận dù nhiều tiềm năng nhưng ngành nữ trang Việt đang gặp nhiều vấn đề khó khăn. DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức hiện chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều đơn vị đã phải đóng cửa, hoặc chuyển sang kinh doanh các ngành nghề khác, do không có vàng nguyên liệu và không được vay vốn để sản xuất, kinh doanh; kéo theo hàng nghìn lao động trong ngành vàng bạc đá quý không có việc làm, đồng thời khiến ngành kim hoàn Việt Nam ngày càng tụt hậu xa so với các quốc gia trong khu vực.
Điều này càng trở nên nguy hiểm, bởi Việt Nam đã và sẽ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thuế nhập khẩu vàng trang sức sẽ giảm dần xuống 0%. Khi đó, hàng ngoại nhập với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, giá thành thấp sẽ tràn vào, đè bẹp sản phẩm nội và chắc chắn nhiều DN nữ trang Việt sẽ trở thành các đại lý bán thuê sản phẩm nữ trang cho nước ngoài. “Sản xuất kinh doanh trang sức là hoạt động kinh doanh thông thường, không thuộc đối tượng bị cấm hay hạn chế kinh doanh. Đã đến lúc nhà nước cần tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách cho các DN để tạo điều kiện cho DN phát triển”, ông Long kiến nghị.