Đầu tháng 4.2017, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland, tuyên bố rút khỏi cuộc đua tham gia đề án tái cơ cấu ở Sacombank. Điều này đồng nghĩa, cửa nhà Sacombank chỉ còn chờ đón duy nhất một ứng viên khác, đến từ nhóm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.
Nếu như Evercore Group là một công ty có trụ sở ở Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, Redsun Capital Limited cũng là tổ chức nước ngoài chuyên về tư vấn M&A thì ông Đặng Văn Thành từng là ông chủ ở Sacombank, ngân hàng do chính ông sáng lập. Nhưng 5 năm trước, vì biến cố mà ông Đặng Văn Thành phải rời ghế Chủ tịch Sacombank.
Dọn đường cho ngày trở lại
Mặc dù ra đi nhưng ông chủ Đặng Văn Thành, người đã lãnh đạo Sacombank suốt 20 năm, vẫn chưa thôi day dứt. Trong một phát biểu cuối tháng 10 năm ngoái, ông Thành nhận lỗi khi không thể giữ được ngân hàng do mình sáng lập và dày công chăm sóc. Ông đã nói về Sacombank như niềm tự hào lớn và cho biết ông đã sẵn sàng để trở lại ngân hàng này.
Ông Thành sáng lập Sacombank từ cuối năm 1991, với khát vọng đưa ngân hàng này trở thành một Citibank tại Việt Nam. Khi ấy, Sacombank chỉ có vốn điều lệ 3 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2012, thời điểm ông Thành phải rời khỏi Sacombank, Ngân hàng đã đạt quy mô vốn điều lệ 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản gần 150.000 tỉ đồng, còn lợi nhuận hằng năm đạt khoảng 3.000 tỉ đồng. Sacombank cũng sở hữu mạng lưới hơn 400 chi nhánh, hoạt động ở cả 3 quốc gia và có 9 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Nhưng tất cả tham vọng, kế hoạch của ông Thành, về mục tiêu đạt tới 5.000 tỉ đồng lợi nhuận sau năm 2015, về hoài bão biến Sacombank thành ngân hàng lưu động, dưới mô hình “kiot banking”, đã phải tạm dừng lại sau cú sốc thâu tóm và chuyển giao quyền lực ở Sacombank. Ông Thành đã rất nuối tiếc nhưng vẫn an ủi bản thân “doanh nhân có tuổi thọ nhưng doanh nghiệp thì không”. Với những gì còn dang dở, ông Thành quan niệm, ông vẫn sẽ chờ thời cơ khác để thực hiện ước nguyện. Lòng ông nung nấu, nuôi dưỡng và chuẩn bị dọn đường cho ngày trở lại với Sacombank.
Trên thực tế, sau gần 2 năm im ắng rời khỏi Sacombank, năm 2014, ông Thành đã xuất hiện trở lại thương trường trong dáng vẻ tươi vui, ấn tượng của vai trò vừa cũ lại vừa mới: Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
TTC sau ngày ông Thành về góp sức đã phát triển nhanh, không còn dừng ở kinh doanh cồn, mật rỉ như buổi đầu ông Thành và gia đình lập ra cách đây 25 năm. Bây giờ, TTC đã là tập đoàn của hàng chục doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực như mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục, nông sản... Đường Bourbon Tây Ninh (nay là Đường Thành Thành Công - Tây Ninh), Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Du lịch Bến Tre, Xuất nhập khẩu Bến Tre, Điện Gia Lai, Du lịch Golf Việt Nam (đổi thành Công ty Du lịch Thành Thành Công)… đều là kết quả của quá trình M&A kéo dài.
Năm ngoái, TTC cũng đã đầu tư 35% vốn điều lệ ở Tín Nghĩa. Xét trong từng lĩnh vực, với bất động sản, theo website của Tập đoàn, TTC đã sở hữu 304ha đất, 10.500 căn hộ, 1.135ha khu công nghiệp và kho vận. Tập đoàn cũng đã lập 17 khách sạn, resort, trung tâm hội nghị tiệc cưới cho mảng du lịch của mình.
Riêng ngành năng lượng, TTC sở hữu 22 nhà máy thủy điện và nhiệt điện, dẫn đầu về các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cũng như dẫn đầu về sản xuất điện sinh khối trong cả nước. TTC cũng đã xây dựng đế chế mía đường nắm giữ gần 40% thị phần tại Việt Nam với 10 công ty thành viên tham gia. Ngoài ra, TTC còn đầu tư 12 trường học và rót hàng chục triệu USD vào mảng nông nghiệp như sản xuất nước dừa, sữa dừa, chè, bò kobe...
Với quá trình phát triển này, tính đến cuối năm 2015, TTC đã đạt quy mô vốn điều lệ hơn 11.300 tỉ đồng, doanh thu thuần trên 15.400 tỉ đồng, còn lợi nhuận trước thuế hơn 1.100 tỉ đồng.
Những dấu hỏi ở Sacombank
Chưa rõ ông Đặng Văn Thành sẽ góp vốn thế nào trong nhóm đầu tư vào Sacombank, nhưng dự kiến, trong Đại hội đồng cổ đông sắp tới, nếu được Ngân hàng Nhà nước và cổ đông chấp thuận, nhóm ông Thành sẽ rót 20.600 tỉ đồng vào đây. Đây là số tiền rất lớn, tương đương cả tỉ USD, nhưng với tiềm lực từ TTC, theo giới phân tích, ông Đặng Văn Thành có cơ sở để xoay xở vốn và thẳng bước trở lại Sacombank.
Khi chi ra khoảng tiền này, tương đương 52,2% vốn điều lệ mới, nhóm ông Thành sẽ giữ vai trò chi phối tại Sacombank. Số tiền đầu tư được nhóm ông Thành tiết lộ dùng “để cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động”. Ngoài ra, theo kế hoạch, một hội đồng xử lý nợ sẽ được thành lập, tập trung giải quyết nợ xấu và thu hồi các tài sản tồn đọng. Bước tiếp theo, Sacombank sẽ sử dụng các nguồn thu nhập có được để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Không ai am hiểu Sacombank bằng chính người đã tạo dựng và gắn bó với nó. Hơn thế, ông Thành dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, luôn canh cánh ước nguyện trở lại Sacombank. Ông sẽ có nhiều động lực hơn để cải tổ ngân hàng này. Ông cũng đã có khoảng thời gian dừng bước để theo dõi hoạt động ngân hàng với cái nhìn quan sát nên càng dễ dàng phát hiện các vấn đề tồn tại và có hướng giải quyết triệt để. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại, việc TTC lớn mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã ít nhiều cho thấy tài nghệ giao thiệp, xây dựng các mối quan hệ giá trị của ông Đặng Văn Thành. Tất cả sẽ là những điều kiện thuận lợi cho Sacombank trong bước đường tái cơ cấu.
Rõ ràng, lúc này, chỉ có nhóm ông Thành là sáng giá và phù hợp nhất cho Sacombank. Nhất là khi Novaland đã từ bỏ cuộc chơi, khả năng nhóm ông Đặng Văn Thành hiện diện ở Sacombank lại càng chắc chắn. Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán tin tưởng vào điều này và đã phản ứng rất tích cực, đẩy giá cổ phiếu STB của Sacombank tăng 26% so với cuối năm 2016 lên mức gần 12.000 đồng/cổ phiếu (13.4.2017)