Khu sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức.
Những ngày này, đi qua các tuyến đường như đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Đại lộ Thăng Long… không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe bán tải treo biển “Nông sản đại hạ giá”. Cụ thể, bí xanh, dưa chuột có giá 6.000 đồng/kg (giảm 9.000 đồng/kg so với tháng trước); dưa lê giải cứu 60.000 đồng/5kg (đầu mùa là 25.000 đồng/kg)… Còn tại các chợ truyền thống, lượng rau, củ, quả đổ về cũng khá dồi dào, giá cả giảm từ 20 – 30% so với cùng thời điểm năm trước và giảm tới 50% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Cụ thể, các loại rau xanh như rau muống, mồng tơi có giá 5.000 đồng/mớ (giảm 2.000 đồng/mớ); mướp, bầu có giá 7.000 đồng/kg (giảm 8.000 đồng/kg)…
Chị Nguyễn Thị Tĩnh, tiểu thương bán rau tại chợ La Cả (Dương Nội, Hà Đông) cho biết: Từ ngày dịch Covid-19 tái bùng phát, lượng khách hàng tới chợ giảm đáng kể nên hàng hóa ế ẩm. Chia sẻ về nguyên nhân một số loại rau, củ, quả giảm giá mạnh, chị Tĩnh cho rằng, thời điểm này bước vào vụ thu hoạch rộ của một số loại rau. Mặt khác, do các trường học bước vào nghỉ Hè, bếp ăn tập thể dừng hoạt động, người dân thắt chặt chi tiêu… nên sức tiêu thụ chậm dẫn đến giá giảm.
Khảo sát tại một số vùng chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn Hà Nội cho thấy, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, hiện mỗi ngày HTX chỉ bán được từ 1 - 2 tấn rau cho các siêu thị, giảm 30% so với tháng trước. Còn theo Giám đốc HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú huyện Quốc Oai Lê Đình Bình, gia cầm cũng đang gặp khó trong việc tiêu thụ khi giá giảm mạnh, hàng bán chậm. Hiện tại giá gà thả vườn dao động trong khoảng 60.000 – 80.000 đồng/kg, trứng gà 900 – 1.200 đồng/quả (giảm 30% về giá so với tháng trước).
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Vụ rau Xuân Hè trên địa bàn TP đang bước vào kỳ thu hoạch rộ, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 – 2.200 tấn rau xanh các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Giá cả giảm là do người dân không ký kết được hợp đồng bao tiêu ổn định. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết chuỗi để hỗ trợ nông dân, HTX trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch.