Tại kỳ điều hành ngày (2/5), giá bán lẻ xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tục từ giữa tháng 3. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng thêm 985 đồng một lít, xăng RON 95 mức tăng 956 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 311 - 385 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Sau tăng giá, xăng RON 95 vượt mức 22.000 đồng lít, lên tối đa 22.191 đồng; xăng E5 RON 92 tối đa 20.688 đồng một lít. Dầu diesel có mức giá mới 17.695 đồng, dầu hoả 16.625 đồng. Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 3 liên tiếp kể từ ngày 18/3, tổng cộng mỗi lít xăng đắt thêm gần 4.000 đồng một lít.
Trong lần tăng giá ngày 2/5, Bộ Công Thương cũng khẳng định: “Hiện giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở”. Có nghĩa, giá bán lẻ hiện hành vẫn đang được bù bằng Quỹ bình ổn giá. Cụ thể, với RON 95 đang được bù 283 đồng/lít; 925 đồng một lít với xăng E5 RON 92.
Nghịch lý giá xăng dầu: Thế giới giảm, trong nước lại tăng mạnh.
Tuy nhiên chốt phiên giao dịch trong ngày (2/5), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lại giảm đến 1,86 USD xuống 61,74 USD/thùng. Theo dự báo, do sản lượng dầu của Mỹ tăng, nên đà giảm này hướng tới tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp. Tương tự, giá dầu Brent biển Bắc cũng giảm 1,62 USD/thùng xuống 70,56 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã giảm gần 3% giá trị so với phiên giao dịch trước đó.
Bảng giá năng lượng thế giới ngày (3/5) cũng tiếp tục giảm, dầu WTI tiếp tục giảm mỗi thùng 0,06% và dầu Brent giảm 0,27% so với ngày hôm qua. Một số phân tích trên Reuters cũng cho thấy, giá dầu trong dài hạn nghiêng về chiều giảm bởi nguồn dự trữ dầu thô của Mỹ hiện khá dồi dào. Công ty cung cấp thông tin năng lượng Genscape dự báo dự trữ dầu tại trung tâm Cushing, Oklahoma của Mỹ đã tăng 1,95 triệu thùng từ ngày 26-30.4 vừa qua. Ngoài ra, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước cũng tăng mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, tăng khoảng 9,9 triệu thùng, lên 470,6 triệu thùng.
Đây không phải là lần đầu tiên giá xăng trong nước tăng trong bối cảnh giá dầu thế giới lại giảm. Tại lần điều chỉnh giá xăng kỳ trước (ngày 2/4), cơ quan điều hành đã quyết định cho phép các doanh nghiệp tăng giá bán tất cả các mặt hàng xăng dầu ở mức từ 1.000 đến gần 1.500 đồng/lít.
Trong khi theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá dầu thành phẩm thế giới trong 15 ngày qua đều giảm. Cụ thể, giá dầu diesek 0.05S ở mức 80,1 USD/thùng, giảm 0,315 USD/thùng, tương đương -0,39% so với kỳ trước; dầu hỏa ở mức 79,878 USD/thùng, giảm 0,138 USD/thùng, tương đương -0,17%; dầu madut ở mức 426,593 USD/tấn dầu, giảm 6,539 USD/tấn, tương đương - 1,51% so với kỳ trước.
Tương tự, tại lần điều chỉnh giá xăng (ngày 17/4), giá bán lẻ xăng tăng 1.200 đồng/lít. Cùng ngày, giá dầu Bent thế giới giảm 0,1%, sang ngày hôm sau (18/4), giá dầu thế giới lại giảm. Giá dầu Bent thế giới ngày 18/4 giảm 11 cent/thùng (giảm 0,2%) so với phiên trước và dầu WTI giảm 9 cent/thùng.
Hiện tại, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện điều chỉnh giá theo chu kỳ 15 ngày một lần, quy định cũ là chu kỳ điều chỉnh 30 ngày. Thế nên, theo chuyên gia xăng dầu, giá xăng dầu Việt Nam luôn điều chỉnh không theo nhịp tăng giảm của thế giới. Chẳng hạn khi giá dầu thế giới tăng liên tục, nhưng giá xăng dầu trong nước không được điều chỉnh ngay mà chờ hết 15 ngày theo đúng chu kỳ mới điều chỉnh, khiến giá tăng sốc gây khó khăn cho người tiêu dùng. Hoặc ở chiều ngược lại, khi giá dầu thế giới giảm liên tục, nhưng trong nước vẫn phải điều chỉnh tăng do mức bình quân 15 ngày tăng.
Chia sẻ trên báo Thanhnien.vn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thực tế giá xăng dầu Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ biến động giá xăng dầu thế giới. Không hẳn là đi ngược thế giới nhưng rõ ràng giá thế giới biến động từng ngày, trong nước không theo kịp.
Với nhà kinh doanh, nếu bám sát được giá thị trường quốc tế, sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn và không nên nghĩ do giá cả thế giới thay đổi liên tục, nếu “bám” theo, giá xăng dầu trong nước sẽ phải điều chỉnh với tần suất dày đặc rất khó cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. “Không nên nghĩ đơn giản vậy, bởi có nhiều thời điểm giá xăng đứng yên, ổn định trong nhiều ngày liền. Hoặc tăng liên tục, hoặc giảm liên tục… Quan trọng phải tính được giá cơ sở, theo công thức có sẵn. Từ đó, có chính sách quản lý rủi ro theo sát giá xăng dầu nhập khẩu. Vấn đề ở đây là năng lực bám sát và dự đoán thị trường chứ không đơn thuần chỉ là những con số”, ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tần suất tăng giá xăng dầu gần nhau quá xuất phát từ kiểu điều hành lúng túng, thiếu chuyên nghiệp. Cụ thể, ở những kỳ điều hành trước, cơ quan chức năng đã xã mạnh quỹ bình ổn xăng dầu để ổn định giá. Nhưng nay quỹ này đã cạn kiệt, do vậy phải tăng sốc giá dầu trong nước để "bù" vào những lần không tăng, dù giá dầu thế giới giảm.
Cách điều hành này không đúng tín hiệu thị trường. Nói cách khác, lúc cần tăng thì không tăng, lúc không nên tăng cao thì lại tăng rất sốc. Do vậy cơ quan hữu trách cần phải có giải pháp điều hành giá sát với thị trường, đúng nhịp điệu thị trường chứ không nên chạy theo thành tích mà điều hành kiểu giật cục, áp đặt gây ra những biến động khó lường cho thị trường.
Thực tế, theo quy định của Nghị định 83/2014, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì mới sử dụng công cụ là quỹ bình ổn để giữ ổn định giá. Tuy nhiên, vấn đề là sử dụng quỹ ở mức nào, điều chỉnh cho phù hợp để làm sao cân đối nguồn thu, chi của quỹ đảm bảo tính bền vững. Nguyên tắc điều hành xăng dầu của Nghị định 83/2014 là vẫn phải tuân theo thị trường và chỉ sử dụng quỹ trong trường hợp bất thường.