Ngân hàng đến thời ăn nên làm ra
Mới đây, Agribank công bố kết quả kinh doanh năm 2016 với lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng, tăng 300 tỷ so với năm 2015. Tổng tài sản của nhà băng này lên mức 1 triệu tỷ đồng, vốn huy động đạt 924 nghìn tỷ và dư nợ đạt hơn 791 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,89% trên tổng dư nợ.
Trong khi đó, ngôi vị quán quân cuối cùng đã thuộc về VietinBank với tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 8.530 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank trong năm qua đạt 8.517 tỷ đồng, tăng 24,75% cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra, Vietcombank đã vượt 13,56% mục tiêu.
Còn BIDV báo lợi nhuận trước thuế đạt 7.734 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015 song về các chỉ tiêu tài chính khác thì có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản của ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2015 và chiếm 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng, chỉ tiêu huy động và cho vay tăng mạnh trên 20%.
Trong 4 ông lớn trên, xét về con số tuyệt đối, lợi nhuận Vietcombank đã vươn lên vị trí thứ nhì trên toàn hệ thống (chỉ đứng sau Vietinbank chút đỉnh) dù quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản thấp hơn nhiều so với những thành viên lớn như Agribank, VietinBank và BIDV.
Trong nhóm ngân hàng tự tái cấu trúc, TPBank cho biết năm 2016 đã nâng tổng tài sản lên trên 105 nghìn tỷ đồng, cao hơn 38% so với năm trước đó; huy động vốn đạt hơn 97,5 nghìn tỷ và dư nợ cho vay riêng thị trường 1 hơn 47 nghìn tỷ đồng, nợ xấu ở mức chưa đến 1%. Tổng lợi nhuận trước thuế ước khoảng 707 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015.
Một trường hợp khác là NCB. Ngân hàng NCB đang từng bước đi lên. Lợi nhuận năm 2016 đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015, các hoạt động kinh doanh khác từ huy động đến cho vay đều tăng trưởng tốt trong khi nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức chỉ 1,53% trên tổng dư nợ.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần top nhỏ, Ngân hàng OCB công bố lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 484 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2015, tổng tài sản tăng 29% đạt hơn 63,8 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng hơn 39,6 nghìn tỷ và huy động vốn hơn 46 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,51%.
ABBank, kết thúc năm 2016, vốn điều lệ ngân hàng đạt trên 5.319 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2015. Tổng tài sản đạt 74.517 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2015. Huy động vốn của ngân hàng năm 2016 đạt 52.224 tỷ đồng, tăng hơn 9%; Cho vay đạt 40.141 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 288 tỷ đồng, tăng 168% so với năm 2015, chủ yếu nhờ mảng dịch vụ lãi mạnh. Ông Cù Anh Tuấn, Tổng giám đốc ABBank cho biết, năm 2017 ngân hàng sẽ đưa cổ phiếu ABBank lên sàn giao dịch chứng khoán.
Năm sau vẫn là dấu hỏi lớn
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: "Điểm phấn khởi trong năm qua là các ngân hàng đã ăn nên làm ra, bằng chứng là họ đã công bố những con số lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu chính xác những con số ngàn tỷ đó là số tuyệt đối, cần so sánh lợi nhuận với quy mô, vốn liếng của họ".
Theo vị này, ROE năm 2016 tính chung cả hệ thống ngân hàng ước khoảng 7%, chỉ cao hơn tiền gửi tiết kiệm 1%; con số 7% vẫn là thấp so với bình quân so với khu vực. Năm 2017 sẽ là năm quyết liệt để xử lý các TCTD và nợ xấu, đây sẽ là quá trình về lâu về dài và kết quả lợi nhuận sẽ được cải thiện tích cực trong thời gian tới.
Khả năng tăng trưởng mạnh của ngành Ngân hàng vẫn là dấu hỏi lớn sau chu kỳ tăng trưởng nhanh, mạnh trong năm 2015. Năm 2017, nhiều chuyên gia kỳ vọng bức tranh phân hóa tiếp tục được thể hiện giữa các ngân hàng dựa trên yếu tố cơ bản:
Thứ nhất, năm 2017 được dự báo là năm áp lực đối với các ngân hàng trước áp lực tăng vốn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Thứ hai, vấn đề nợ xấu là gánh nặng lớn cản trở tăng trưởng của một số ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chịu áp lực huy động đáng kể nhằm đảm bảo thanh khoản khi Thông tư 06 (sửa đổi thông tư 36) từng bước được áp dụng. Đây được xem là áp lực không nhỏ đối với triển vọng chung của ngành trong năm tới.
"Tuy nhiên, với đặc thù là nhóm ngành với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng lớn lên chỉ số chứng khoán, một kỳ vọng tích cực về chính sách cũng có thể tạo ra hiệu ứng tích cực lên toàn rổ chỉ số. Vì vậy, đây vẫn sẽ là nhóm ngành đáng quan tâm trong năm 2017", một chuyên gia bình luận.