Dân bản địa từ chối
Theo thống kê trong năm 2015, Trung Quốc là một trong 5 nước tiêu thụ mì gói lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp sản xuất mì gói tại Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn và phải tính cửa làm ăn mới.
Đầu năm nay, nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc - Tingyi đã bị loại khỏi chỉ số Hang Seng của sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, sau khi lợi nhuận của công ty này giảm 60%. Doanh số mì ăn liền của Trung Quốc đã giảm 6,75% trong năm nay, năm sụt giảm thứ tư liên tiếp.
Một trong những nguyên nhân sụt giảm này là do người dân Trung Quốc lo ngại về sức khỏe khi hàng loạt các bê bối về vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến mì gói tại nước này bị tẩy chay. Có những cáo buộc cho thấy mì ăn liền của Trung Quốc có chứa nhựa hóa học. Vốn mang tiếng là không tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều muối và chất phụ gia, các bê bối trên càng làm cho mì ăn liền trở nên kém hấp dẫn hơn.
Thực tế, những nghi ngại này không chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã có từ nhiều năm về trước. Nhưng trước bối cảnh nên kinh tế Trung Quốc phát triển, thu nhập của người dân nâng cao thì một gói mì có giá vài ba nghìn đồng không còn nằm trong suy nghĩ của họ.
Chính vì thế, các doanh nghiệp sản xuất mì gói của Trung Quang phải tìm đến các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á như Việt Nam để phát triển. Bởi, Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia sử dụng mì gói nhiều nhất trên thế giới, một gói mì vẫn là lựa chọn phổ biến của nhiều người lao động thu nhập thấp.
Người Việt cảnh giác với mì Trung Quốc |
Người Việt đề phòng hàng Trung Quốc
Trong một cuộc khảo sát của Phụ nữ TP. HCM tại một số siêu thị vào cuối tháng 9/2016, hầu hết người tiêu dùng đều bày tỏ sự nghi ngại với mì gói Trung Quốc, nhiều người còn khẳng định chắc chắn nếu biết đó là hàng Trung Quốc thì sẽ không sử dụng vì bất cứ lý do gì.
Ở Co.op Mart, có 4/6 kệ mì gói được bày bán là các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, có giá giao động từ 3.000 đồng/gói tới 4.200 đồng/gói. Đây cũng là những sản phẩm được bày bán phổ biến tại Big C và Lan Chi Mart mới mức giá tương đương. Còn lại là một số loại mì khác như mì nóng Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được bày bán khá nhiều.
Anh Thanh (35 tuổi - Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Mì Việt mùi vị hấp dẫn, lại mang đặc trưng thuần Việt. Tôi chọn vì thích và hợp với khẩu vị", vị khách hàng cho biết.
Khi được hỏi, có cân nhắc lựa chọn một sản phẩm mì gói của Trung Quốc nếu có giá rẻ mà gia vị cũng hấp dẫn như vậy không, anh Thanh thẳng thắn đáp: "Quan điểm của tôi là đã rẻ thì không ngon, mà nhất là lại do Trung Quốc sản xuất thì tôi không chọn".
Theo nhiều người, Việt Nam đang rơi vào ma trận của hàng hóa Trung Quốc, không thể phân biệt đâu là thật đâu là giả. "Đã mất chữ tín là mất tất cả. Tôi cũng vì sức khỏe chung thôi, đã một lần ăn phải đồ kém chất lượng tôi sẽ không mua nữa", chị Hằng khẳng định.
Cùng quan điểm, anh Trung (50 tuổi, Trần Phú, Hà Đông) nhấn mạnh: "Chỉ cần nói tới hàng Trung Quốc là e ngại rồi. Cái gì cũng phải là ngon, chất lượng, an toàn, giá rẻ không phải là yếu quan trọng".
Với giới trẻ, hàng Trung Quốc cũng đang bị đặt nhiều nghi vấn về chất lượng. Anh Tuấn (20 tuổi, Hà Đông) cho rằng: "Nếu có mì gói Trung Quốc cũng sẽ thử nhưng dừng ngay nếu có cảnh báo. Bây giờ mất lòng tin với thực phẩm lắm rồi, ở đâu cũng có hàng Trung Quốc không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả nữa. Ngay cả loại mì Việt Nam tôi đang chọn, tôi cũng không chắc chắn có phải là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt hay không cơ mà".
Với kinh nghiệm bán hàng thức ăn trên 20 năm, chị Thu Nga (40 tuổi) chủ một đại lý lớn tại thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, trong cửa hàng chị bày bán chủ yếu là các sản phẩm mì Việt Nam.
"Họ không chọn giá rẻ như ngày xưa nữa đâu, mỳ đắt nhất được chọn vì quảng cáo là không nóng, không hại cho sức khỏe. Còn loại chua cay phù hợp với lứa tuổi học sinh vì bọn trẻ giờ thích phong cách, thích được xì xụp, hít hà một tí", chị Nga lưu ý.