Ngày 28/8, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2017, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 10,3 tỷ USD, chiếm 44 % tổng vốn đăng ký.'
Theo đó, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Cả nước có 1.624 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Có 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,4 tỷ USD và 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhiều nhất với tổng số vốn 11,69 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,36 tỷ USD. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài xem là thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính đến nay, lĩnh vực này thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam). Cục Phó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Nội. |
Theo đối tác đầu tư, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đầu tư 6,02 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ hai (tổng vốn đầu tư đăng ký 5,74 tỷ USD) và Singapore đứng thứ ba.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh thành phố, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 3,3 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,06 tỷ USD. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,05 tỷ USD.