Sau phát biểu cho rằng Bộ Công Thương mới là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng, dầu của đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương đã có phản hồi khá gay gắt.
Trong khi 2 bộ được giao trách nhiệm giám sát, quản lý giá xăng, dầu vẫn mải “đá bóng” trách nhiệm, thì câu chuyện giải quyết thế nào với khoản tiền người dân thiệt do cơ quan quản lý sai sót lại vẫn rất chung chung.
Ai bồi thường 3.500 tỷ đồng?
Theo văn bản từ Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền gửi Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế), Bộ này đã nói rõ hơn về trách nhiệm của hai bên trong việc điều hành giá xăng, dầu, đặc biệt liên quan tới sự việc người dân bị “móc túi oan 3.500 tỷ đồng” vì lỗ hổng thuế, phí trong cách tính giá cơ sở.
Phía Vụ Thị trường trong nước cho rằng, trong cuộc trả lời bản tin Tài chính kinh doanh 21 giờ 30 ngày 21/3, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khi được hỏi trách nhiệm của việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới (từ MFN sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng, dầu trong nước đã phát biểu: "... Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định" là chưa hiểu đúng chức năng nhiệm vụ của hai Bộ và quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu và điều hành giá xăng, dầu.
Cơ quan này đề nghị đích danh “đồng chí Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế” tích cực phối hợp trao đổi thông tin với Tổ liên ngành điều hành xăng dầu (đầu mối thuộc Bộ Tài chính là Cục Quản lý giá, đầu mối Bộ Công Thương là Vụ Thị trường trong nước) để công tác chủ trì, phối hợp điều hành giá xăng dầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 bộ.
Trong văn bản do ông Võ Văn Quyền ký ghi rõ: Điều 36 và Điều 40 (điểm b, khoản 2), Nghị định số 83 quy định: “Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, các chi tiêu cân đối vĩ mô và dự báo giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”. “Các hoạt động phối hợp về xây dựng chính sách thuế, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83” - công văn của Vụ Thị trường trong nước khẳng định.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm sớm có giải pháp tài chính tổng thể để xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo đúng lộ trình của các FTA cam kết hội nhập.
Ngày 24/3, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sau khi nhận được văn bản của Bộ Công Thương gửi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có các chỉ đạo xuống các đơn vị liên quan để làm rõ hơn ai chịu trách nhiệm trong việc người dân “mất tiền oan” do cách tính thuế phí không đúng.
Ngụy biện, thiếu thuyết phục
Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về việc ai đúng, ai sai trong câu chuyện người tiêu dùng bị “móc túi” vì giá xăng dầu.
“Theo tôi cả hai bộ đều có lỗi. Theo Nghị định 83 thì Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm về thuế và giá xăng dầu nhưng Bộ Công Thương lại là đơn vị cuối cùng quyết định giá bán. Bộ Tài chính đưa ra giá nhưng Bộ Công Thương phải có sự thống nhất. Khi không có sự thống nhất giữa 2 bộ, Bộ Công Thương phải báo cáo với Chính phủ để Chính phủ có hướng xử lý. Vì thế, không thể nói, việc DN bỏ túi ngàn tỷ xăng dầu là trách nhiệm của riêng Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương được” - chuyên gia này nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, Bộ Tài chính nói việc áp thuế theo các cam kết FTA là có độ trễ là ngụy biện. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thuế, trong quá trình ký FTA, chắc chắn phải biết và thay đổi các mức thuế theo đúng quy định. Tại sao, đến khi phát hiện Petrolimex lãi khủng mới biết nguyên nhân vì thuế áp sai. Đây là lý do không thể chấp nhận.
Không bình luận về việc cơ quan nào sai trong câu chuyên giá xăng, dầu thời gian qua, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tính giá cơ sở với những mức thuế khác nhau không phải xuất phát từ việc Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khá dồn dập thời gian qua mà điều quan trọng ở cơ chế quản lý.
Vấn đề này đã đặt ra bài toàn mới về điều phối các cam kết hội nhập bởi rõ ràng, với trường hợp chênh thuế xăng, dầu như hiện nay thì lợi nhuận đã rơi vào túi DN. Tuy nhiên, “cần truy thu khoản lợi nhuận thu được từ DN do vênh thuế này và bù nộp vào quỹ bình ổn xăng dầu” - đây là giải pháp cần thiết trước mắt hiện nay được ông Ngô Trí Long đề xuất.