Giá vàng thế giới hôm nay 6/12/2022, tính đến 15 giờ 15 phút (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.772 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng thế giới chiều 6/12 tăng trở lại. Ảnh: Reuters
Giá vàng trên thị trường quốc tế hỗ trợ bởi tin tức về việc Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới đã nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt trong chính sách phòng chống dịch Covid-19.
Reuters thông tin, Han Tan, Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Exinity, cho biết: “Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 đang cho phép giá vàng tăng.
Theo các nguồn hãng tin của Anh có được, Bắc Kinh có thể công bố 10 biện pháp nới lỏng Covid-19 mới sớm nhất là vào thứ Tư tuần này.
“Điều này cũng có nghĩa là nhu cầu vàng sẽ tăng trong khu vực” Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao của StoneX cho biết.
Trong khi đó, các nhà giao dịch vàng vẫn tập trung vào lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với việc ngân hàng trung ương này gần đây đã dịu bớt phần nào lập trường “diều hâu” hiếu chiến. Điều này đã tạo ra một số lực đẩy đối với vàng vốn không mang lại lợi suất.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Trong ngắn hạn, việc tăng giá vàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sắp tới của Mỹ. Chúng tôi vẫn cho rằng, các đợt tăng lãi suất tiếp theo từ Fed sẽ ảnh hưởng đến vàng trong những tuần tới".
Dữ liệu CPI tháng 11 sẽ được công bố vào ngày 13/12.
Trước đó, đồng quan điểm với Han Tan, nhà phân tích Matt Simpson của City Index cho biết, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ - yếu tố đang hỗ trợ giá vàng.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong một báo cáo công bố ngày 1/11 cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào gần 400 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỷ USD, trong quý III/2022, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua lên mức 673 tấn, cao hơn so với bất cứ năm nào kể từ năm 1967.
Động thái mua ồ ạt trên đã góp phần làm tăng nhu cầu với kim loại quý này của toàn cầu. Có vẻ như các ngân hàng trung ương trên thế giới đang “lên cơn sốt vàng” trong bối cảnh biến động địa chính trị, lạm phát tăng cao, xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Báo cáo của WGC cho biết, vào tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua liền tay 1 lúc gần 20 tấn vàng, trong khi Ấn Độ và Qatar cũng đang ráo riết mua kim loại quý này. Vàng này hiện chiếm 2/3 dự trữ của Uzbekistan còn Kazakhstan cũng tăng gấp đôi lượng vàng nắm giữ.
Theo giới phân tích, vàng đã trở nên hấp dẫn trở lại trong bối cảnh hiện nay và về lâu dài, kim loại quý này được xem là nơi trú ẩn an toàn, dường như miễn nhiễm với tình trạng hỗn loạn chính trị và tài chính địa phương.
Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý khi mặc dù vàng có sức chống chịu tốt hơn hầu hết các loại kim loại khác, nhưng giá của nó đã giảm 3% trong năm nay.
Trên thị trường trong nước, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 66.350 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,170 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,100 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,900 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 66,160 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,830 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,250 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,950 triệu đồng/lượng (bán ra).