Giá nông sản ngày 25/9: Cà phê giảm nhẹ
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.400 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 39.500 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.300 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.300 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.200 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 40.300 đồng/kg, 40.200 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.300 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 39.400 - 40.400 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 25/9: Cà phê giảm nhẹ. Ảnh: Lương Vinh
Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2021 được ghi nhận tại mức 2.135 USD/tấn sau khi giảm 0,51% (tương đương 11 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 tại New York đạt mức 192 US cent/pound, tăng 0,73% (tương đương 1,40 US cent).
Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những ngày giữa tháng 9/2021, giá cà phê robusta tiếp tục tăng. Nguyên nhân chính là do nguồn cung hạn chế và giá cước phí vận chuyển đang ở mức cao.
Số liệu từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho thấy, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 8/2021 giảm 25,7% so với tháng 8/2020, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Theo thông tin của Bloomberg, khoảng 3,5 triệu bao cà phê đã không được giao lên tàu trong vài tháng qua do các vấn đề có tính hệ thống về vận tải biển hiện nay.
Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê robusta sẽ biến động theo xu hướng tăng, song mức tăng không lớn. Nguồn cung cà phê từ Đông Nam Á chưa cải thiện, nhưng lo ngại kinh tế toàn cầu giảm và lượng giao dịch rất thấp, sẽ là các yếu tố kìm hãm đà tăng của giá mặt hàng này.
Giá nông sản ngày 25/9: Tiêu tiếp tục đi ngang
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 79.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 78.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao 80.000 đồng/kg và 81.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức thấp nhất toàn miền 77.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 77.500 - 81.000 đồng/kg.
Việc giá tiêu tăng cao trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng và cơ hội để người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm giá xuống thấp.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: "Hiện tại, nhu cầu thế giới vẫn cao song dự báo giá tiêu khó có thể tăng thêm nữa.
Bởi ngoài yếu tố cung - cầu, xuất khẩu tiêu của Việt Nam ghi nhận giảm trong tháng 7, 8 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa ra cảng khó khăn, chi phí logistics sang Mỹ, châu Âu tăng đột biến".
Thống kê của VPA, tình trạng kẹt cảng và thiếu container rỗng trong một thời gian dài đã tạo cơ hội cho các hãng tàu thao túng phụ phí và cước phí vận tải. Giá vận tải các tuyến tăng gấp 10 lần từ cuối năm 2020 đến thời điểm hiện tại và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đại diện VPA cho rằng cước vận tải đang ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp tiêu, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, số còn lại phải gồng lỗ cho các hợp đồng ký kết để giữ khách hàng và uy tín.
Với những hợp đồng mới, doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại giá thành sao cho cân bằng với cước logistics để cân bằng chi phí và lợi nhuận.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.
Ông Hải phân tích trong thương mại, bất cứ khách hàng nào đều muốn mua hàng chất lượng, giá tốt. Trong trường hợp này, Indonesia và Brazil đang vào tiêu, sản lượng dồi dào, cước logistics rẻ hơn nên đương nhiên khách hàng sẽ quan tâm đến các thị trường này.
Còn hiện tại nguồn tiêu của Việt Nam không còn nhiều, giá logistics cao nên cũng yếu thế hơn lúc này.
"Về lâu dài, Việt Nam vẫn giữ được vị trí số 1 xuất khẩu tiêu vì sản lượng của Việt Nam chiếm tới 40% sản lượng thế giới, các nước khác tuy có lợi thế nhưng chỉ chiếm phần nhỏ sản lượng chung", ông Hải nói.