Giá nông sản ngày 12/1: Cà phê tăng nhẹ
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.500 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 39.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.200 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.200 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.100 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 40.200 đồng/kg, 40.100 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.200 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 39.400 - 40.300 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 12/1: Cà phê tăng nhẹ. Ảnh: Trần Hường
Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.370 USD/tấn sau khi tăng 0,21% (tương đương 5 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 237,05 US cent/pound, giảm 0,92% (tương đương 2,15 US cent).
Giám đốc điều hành Daniel Mbithi của Nairobi Coffee Exchange (NCE) cho biết, Kenya được hưởng mức giá tốt do sự sụt giảm của sản lượng cà phê Brazil trên thị trường thế giới.
Ông Enosh Akuma, Người đứng đầu Ban Giám đốc Cà phê, lưu ý rằng, giá đã tăng nhưng nông dân đang nhận được mức giá khác nhau tùy thuộc vào khu vực và các nhà máy chế biến vụ mùa của họ.
Về cơ bản, nông dân Kenya có được mức giá tốt nhất so với những người trồng cà phê tại Costa Rica, Ethiopia và Colombia. Có những khu vực ở Kirinyaga thậm chí nhận được mức giá 1 USD/kg (tương đương 113 shilling/kg), mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, ông cũng quan sát thấy rằng, một số nông dân không được hưởng lợi từ việc tăng giá do hoạt động sản xuất kém hiệu quả với sản lượng thấp hơn tiêu chuẩn.
Ông kỳ vọng lợi nhuận sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2022 trước khi giảm vào năm 2023, vì có thể mất khoảng một năm để cây cà phê tại Brazil phục hồi sau tác động của đợt sương giá.
Giá nông sản ngày 12/1: Tiêu tiếp tục giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg xuống mức 78.500 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay cũng giảm 500 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 77.500 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 77.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 76.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 76.500 - 78.500 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, xuất khẩu hồ tiêu của Campuchia trong 11 tháng năm 2021 đạt 27.730 tấn, tăng 456,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tiêu của nước này bao gồm cả hồ tiêu gắn chỉ dẫn địa lý (GI) mang nhãn hiệu Kampot và các giống tiêu không gắn GI.
Trong đó, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nhất với 26.887 tấn, tiếp theo là Đức (497 tấn) và Thái Lan (180 tấn). Một lượng nhỏ hơn đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, dù nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia ít thâm canh so với nông dân Việt Nam, nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất trồng tiêu của Việt Nam chỉ bằng một nửa.
Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, và 2 nước đang mua hồ tiêu của họ nhiều nhất là Việt Nam và Thái Lan.
Trong trung và dài hạn, ngành hồ tiêu Campuchia sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ khả năng mở rộng diện tích, năng suất cao và quan trọng hơn là quốc gia này có đủ điều kiện sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.
GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp phân tích: Do hồ tiêu tại Campuchia phát triển sau Việt Nam nên nông dân tại đây học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm; sâu bệnh hại không nhiều, do đó cũng hạn chế được việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học.
Cũng vì vậy mà nhiều khách hàng sẵn sàng mua tiêu của Campuchia với giá cao, đắt gấp 2-3 lần so với hạt tiêu Việt Nam.
Tín hiệu vui là với những nông dân nhiều năm gắn bó với cây tiêu, họ nhận ra rằng không thể "ăn xổi" mãi được nữa. Nhiều nơi bà con đã chú trọng chăm sóc vườn tiêu theo hướng an toàn, bền vững thông qua hình thức liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu.
Tỷ lệ diện tích hồ tiêu liên kết tăng đều qua các năm, với sự tham gia của những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam như Trân Châu, Phúc Sinh, Olam, Nedspice, Haprosimex, Gia vị Sơn Hà…