Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại đang có dấu hiệu tăng đàn, trái với tình cảnh của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tại Đồng Nai, khi thị trường tiêu thụ lợn chưa có dấu hiệu khởi sắc thì vụ tiêm thuốc an thần cho lợn ở lò mổ lợn Xuyên Á (TP.HCM) như giội thêm một gáo nước lạnh vào nỗ lực duy trì nghề chăn nuôi.
Nông dân kiệt sức
Giá thu mua lợn ở Đồng Nai vẫn đang duy trì ở mức thấp từ 25.000 – 27.000 đồng/kg. Anh Trần Minh Công - chủ trại lợn ở huyện Thống Nhất nhẩm tính mức giá ở địa phương mình đã giảm xuống từ 5.000 – 7.000 đồng/kg lần lượt với lợn của nông hộ và trang trại.
Giá lợn hôm nay 12.10 vẫn tiếp tục ở mức thấp. Dự báo, lượng thịt cung cấp cho thị trường sẽ không thiếu, nhưng việc hàng trăm ngàn nông hộ treo chuồng được dự báo kéo theo các vấn đề an sinh xã hội khác. Ảnh: N.V
Trên diện tích 2ha, anh đã đầu tư hết 5 tỷ đồng cho riêng chuồng trại. Với đàn nái 200 con, tính bình quân, anh phải duy trì tương đương 2.000 con lợn thịt và toàn bộ số lợn con sinh ra. Nhưng nỗ lực này đang dần kiệt sức khi anh vừa định giá 3,5 tỷ đồng cả chuồng trại lẫn 2ha đất.
Theo anh Công, áp lực quá lớn sau việc giá lợn giảm mạnh từ đầu năm 2017 khiến việc duy trì chăn nuôi và tìm lại những gì đã có trở nên mờ mịt. “Nếu tình hình không biến chuyển, việc níu kéo đàn lợn sang năm 2018 có khi sẽ lấy mất luôn những gì đang có. Bán sớm trại nuôi sớm chừng nào gỡ gạc chừng đó. Ai mua là tôi bán ngay” - anh Công bày tỏ.
Đồng tình, ông Trần Hữu Trung - hộ chăn nuôi lợn ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cho biết ngay cả sức vốn của trang trại còn không đủ sức chạy đua đường dài, số nông hộ treo chuồng lên gần cả triệu như thống kê là dễ hiểu. Nhưng đáng lo ngại hơn khi nông hộ treo chuồng, bỏ nuôi thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại tăng đàn.
C.P không được chấp thuận gia nhập Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Đại diện truyền thông Công ty Chăn nuôi C.P cho biết, công ty này đã xin gia nhập làm thành viên Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai hồi cuối tháng 10. Theo tìm hiểu của phóng viên, khi đề nghị này được đưa ra lấy ý kiến thì nhiều hộ chăn nuôi không đồng ý vì lo ngại khả năng thao túng thị trường còn căng thẳng hơn. |
Ông Trung dẫn chứng bằng chính giá mua bán của các công ty FDI đưa ra từng ngày. Các thương lái căn cứ trên giá thu mua của doanh nghiệp làm căn cứ rồi mua lại lợn từ trong dân với giá chênh lệch thấp hơn. “Bản thân công ty tự sản xuất cám, tự chủ động phát giá nên họ có tăng đàn lên bao nhiêu cũng không sợ. Nông hộ muốn chạy đua theo doanh nghiệp cũng phải mất thêm 6 tháng nữa. Nhưng sau nửa năm, vòng quay rớt giá có lặp lại hay không khi các doanh nghiệp đang muốn “đánh” hết các đối thủ từ công ty nhỏ, trang trại đến nông hộ? Từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ còn nhiều người bỏ chuồng và nguồn cung thịt vẫn không giảm” - ông Trung nhận định.
Về thông tin các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước đang "giấu" kế hoạch chăn nuôi khiến việc quản lý nhà nước gặp khó khăn, trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: "Không có chuyện các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi "giấu" kế hoạch chăn nuôi, nhưng cái mà họ cần là cung cấp thông tin cho nhà nước để làm gì khi mà việc xuất khẩu thịt lợn đến nay vẫn chưa làm được".
Theo ông Lịch, các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi lớn ở trong nước đang ngóng động thái hỗ trợ từ phía Bộ NNPTNT để xuất khẩu thịt lợn, đặc biệt là xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. "Nếu không xuất khẩu được thịt lợn mảnh, đông lạnh thì đừng mong giá lợn trong nước sẽ tăng lên" - ông Lịch nói.
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Dũng - chủ một trang trại lợn lớn ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, nếu nhà nước không sớm có biện pháp "cấp cứu" cho ngành nuôi lợn, đặc biệt là tìm phương án xuất khẩu lợn sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thì giá lợn trong nước sẽ còn giảm sâu hơn khiến cho nông dân càng kiệt quệ, bỏ chăn nuôi nhiều hơn.
Về thông tin xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay: "Đối với Trung Quốc chúng ta đã có nhiều cuộc làm việc ở cấp Chính phủ cũng như cấp bộ và cấp dưới nữa. Nhưng khi đưa ra hiệp định về xuất khẩu thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm như lo về hiệp định về thú y, hàng rào kỹ thuật của họ và tất cả mọi cái liên quan đến vấn đề này, nên không phải ngày một, ngày hai là giải quyết được việc xuất khẩu chính ngạch nhưng rồi chúng ta vẫn phải làm".
Dự báo nguồn cung sẽ không thiếu
Ông Ngô Thanh Tùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cũng cho rằng đến cuối năm nguồn thịt sẽ không thiếu hụt. Việc phục hồi đàn lợn là có nhưng không đáng kể. Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng giá lợn cứ giảm sâu thì người dân còn bỏ nuôi.
Ông Tùng cho hay đàn lợn của huyện chỉ còn duy trì 320.000 – 350.000 con, giảm 25% so với thời điểm giá cao. Việc giảm đàn không đáng kể, thịt lợn xuất khẩu không bao nhiêu nhưng giá bán cứ duy trì ở mức thấp do thừa hàng, đến cuối năm nguồn cung vẫn không thiếu hụt.
“Với gà công nghiệp, công ty chăn nuôi C.P đã chiếm hơn 50% thị phần; với con lợn là khoảng 10 – 15%. Nhưng lợn càng lỗ, doanh nghiệp càng tăng đàn chẳng khác nào muốn triệt tiêu chăn nuôi nhỏ lẻ, thậm chí là các công ty cám quy mô nhỏ. Khi đó, chính họ tự sản xuất cám cho lợn của họ ăn. Âu cũng là chuyện cá lớn nuốt cá bé thôi” - ông Tùng nói.
Không chỉ thế, anh Trần Minh Công còn chỉ ra viễn cảnh nông hộ sẽ chỉ còn duy trì theo kiểu đầu năm nuôi, cuối năm mổ lợn làm lễ, tết. Lúc trước còn nhiều người xin vào trang trại lớn làm công. Nay trang trại không mướn nhiều nhân lực nữa, bản thân người chăn nuôi phải bỏ nghề vì rủi ro cao; lực lượng này phải đi kiếm việc làm phổ thông, không ổn định.
“Một lượng lớn lao động nhàn rỗi hoặc lớn tuổi không kiếm được thu nhập từ chăn nuôi, gặp lúc khó khăn càng dễ xảy ra tệ nạn, ảnh hưởng lớn đến bức tranh an sinh xã hội nói chung” - anh Công lo ngại.