Đây là tín hiệu vui để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì chăn nuôi, yên tâm tái đàn. Tuy giá cả tăng nhẹ nhưng người chăn nuôi vẫn "thấp thỏm" khi đầu tư tái đàn.
Ông Lê Quang Vinh, chủ trang trại nuôi lợn ở khu 4, xã Thanh Vân, huyện Thanh Ba cho biết, dịp trước Tết Nguyên đán, giá lợn thịt giảm mạnh, chỉ từ 22.000 - 24.000 đồng/kg, tính toán chi phí lỗ từ 1 - 1,2 triệu đồng/con. Với quy mô nuôi 60 -80 con/lứa, gia đình ông Vinh đã thiệt hại trên 100 triệu đồng. Biết là lỗ những ông vẫn bán để có tiền tái đàn.
Nhờ tiếp tục đầu tư, sau Tết, giá lợn tăng dần đã giúp trang trại nuôi lợn của ông vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất. Ông Vinh cho biết, từ nhiều ngày nay thương lái đã bắt đầu tìm đến trang trại ông mua lợn, với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi từ 700 đến trên 1 triệu đồng/con lợn. Bán được lợn, gia đình ông lại có vốn tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn khiến ông rất lo lắng vì hiện nay đàn lợn thịt chưa tiêu thụ được còn dư rất nhiều trên địa bàn tỉnh.
Anh Lê Thành Đông chủ trang trại gà giống, tại khu 1 xã Vĩnh Lại huyện Lâm Thao cho biết, hiện nay gà giống con một ngày tuổi được bán với giá từ 17.000 -18.000 đồng/con, có thời điểm bán được 25.000-30.000 đồng/con. Với quy mô nuôi 4.000 con gà đẻ như hiện nay, riêng việc bán gà giống đã giúp gia đình anh thu đủ vốn, còn đàn gà mẹ sau khai thác trứng sẽ được bán lấy lãi.
Với mức giá gà thịt dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí trang trại gà của gia đình sẽ cho thu lãi vài trăm triệu đồng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, việc tăng đàn thì anh Đông không dám, bởi nhiều người chăn nuôi vẫn đang thăm dò thị trường, chưa dám đầu tư.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, mặc dù giá lợn, gà tăng hơn so với trước Tết Nguyên đán, nhưng người dân vẫn rất “thấp thỏm” khi tái đàn, đầu tư sản xuất. Bởi hiện nay việc tiêu thụ các sản phẩm gà, lợn vẫn qua các thương lái nên thường bị ép giá, dẫn đến việc giá xuất bán thấp và không ổn định, thị trường tiêu thụ thịt đa số vẫn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc tăng đàn quá nhanh khiến cho sản lượng thịt từ chăn nuôi vượt qua nhu cầu; nhiều người chăn nuôi chưa nắm bắt thông tin thị trường; sản phẩm chăn nuôi của các trang trại làm ra chủ yếu là sản phẩm thô nên khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm….
Hiện nay vẫn có khoảng 30-40% sản lượng thịt còn tồn dư từ năm trước chưa được xuất chuồng, chưa tính đàn lợn thịt đến tuổi xuất chuồng trong 2 tháng đầu năm 2017 còn khoảng trên 300.000 con (22 nghìn tấn). Cùng với đó, đàn gà toàn tỉnh có 12 triệu con gà, có tới 4-5 triệu con gà đến tuổi khai thác thịt cũng vẫn chưa tiêu thụ được, gây khó khăn cho người chăn nuôi, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh.
Phú Thọ đang là địa phương có đàn lợn, đàn gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Với 93 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 10 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Số gia trại chăn nuôi cũng phát triển mạnh trong thời gian gần đây với 3.500 gia trại chăn nuôi lợn quy mô từ 50-300 con/hộ và chăn nuôi gia cầm với quy mô 500-2.000 con/hộ.
Chỉ tỉnh riêng năm 2016, tổng đàn lợn đạt trên 967.000 con, với sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 153.000 tấn; tổng đàn gà đạt trên 12 triệu con, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Chăn nuôi đang chiếm 65% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, chủ yếu bằng phương thức chăn nuôi bán công nghiệp hoặc công nghiệp; chăn nuôi trang trại, gia trại.
Để ổn định chăn nuôi, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh Phú Thọ đã quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh là phát triển chăn nuôi thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ có cơ chế chính sách tác động phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, hình thành được vùng chăn nuôi bò thịt tập trung tại các huyện: Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thủy, Yên Lập, Hạ Hòa.
Mặt khác, tỉnh cũng tập trung chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc để nâng cao giá trị ngành chăn nuôi tại các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ...
Ngoài ra, tỉnh còn mở rộng nuôi gà hướng trứng, thịt theo quy trình sản xuất công nghệ cao; chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn, gà nhiều cựa quy mô hộ gắn với thị trường Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; cơ cấu lại diện tích để trồng cỏ, trồng ngô phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung…
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các địa phương tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất khép kín, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời khuyến khích, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển đa dạng các phương thức chăn nuôi, thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thị trường và tránh rủi ro.
Song song đó, ngành cũng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ; thu hút công ty, doanh nghiệp đến thu mua và bao tiêu sản phẩm, nhằm tạo chuỗi sản xuất liên hoàn từ khâu chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.