Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2019 cá nguyên liệu còn mức cao khoảng 30.000-31.000 đ/kg, sau đó giảm liên tục và hiện còn khoảng 20.500đ/kg.
Giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác. Nhưng hậu quả còn kéo theo cá tra giống giảm mạnh liên tục theo xu thế của giá cá nguyên liệu. Cá tra giống từ đầu năm đến tháng 3/2019 giá cao khoảng 30.000đ/kg nhưng hiện giảm còn khoảng 17.500đ/kg.
Các nguyên nhân khiến giá cá tra giảm do bất lợi từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ, trong khi tình hình tiêu thụ tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang chậm lại vì chính sách nhập khẩu và diện tích nuôi cá được mở rộng quá nhanh.
Giá cá tra giảm mạnh.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) 4 tháng liên tiếp từ tháng 3-6/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm 2018. Thị trường Trung Quốc và Hong Kong vẫn đang dẫn đầu với 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tiếp đến là EU (15%) và Mỹ (14,2%).
Những tháng cuối năm không có giải pháp “tăng tốc”, xuất khẩu cá tra khó đạt được mục tiêu 2,3 tỷ USD trong năm 2019.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm soát, không gia tăng diện tích thả nuôi, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các địa phương phải xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm vì đây là yêu cầu bắt buộc mà các thị trường nhập khẩu đã và đang đặt ra.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết, đặc biệt là nguy cơ bùng nổ của chiến tranh tiền tệ và hiện tại đồng nhân dân tệ giảm giá. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ cá tra số 1 của Việt Nam là Trung Quốc và Hong Kong.
Một hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ cho biết, suốt mấy tuần qua giá cá tra giảm sâu, còn 20.000-21.000 đ/kg là quá sức chịu đựng, vì dưới mức giá thành 2.000-3.000 đ/kg. Từ đầu năm đến nay đã có một số người lỗ nặng 3-4 tỷ đồng, trong đó có lý do nuôi cá không có hợp đồng liên kết tiêu thụ với nhà máy chế biến thủy sản.
Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tổng cục Thủy sản, đến 31/7 diện tích nuôi mới cá tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gần 2.300 ha, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích thu hoạch hơn 2.300 ha, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng đạt trên 739.000 tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và năng suất trung bình đạt 317 tấn/ha, so với năm 2018 là 319 tấn/ha.