Những chuyến dưa hấu "giải cứu" cho nông dân Quảng Ngãi trong mùa dưa năm nay được tiêu thụ chủ yếu tại nhiều trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội như: ĐH Kiến trúc, ĐH Thủy lợi, Học viện Bưu chính Viễn thông, nhóm thanh niên tình nguyện Hà Nội, Báo Thanh niên, Thành đoàn Hà Nội…
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Mộ Lao (quận Hà Đông) phối hợp với sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông bán dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Ngãi. |
Đồng hành cùng nông dân Quảng Ngãi, hệ thống siêu thị Big C cũng đã thu mua 250 tấn dưa hấu. Giá bán tại siêu thị là 4.800 đồng/kg.
Tại các điểm bán dưa từ thiện ủng hộ nông dân Quảng Ngãi, dưa được bán với giá từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Theo chia sẻ của một số tổ chức mua dưa ủng hộ nông dân Quảng Ngãi, tại ruộng họ đều mua với giá khoảng 2.000 - 4.500 đồng/kg chưa kể chi phí vận chuyển, hậu cần tại chỗ.
Theo khảo sát thị trường của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị: Hiện nay trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều quầy bán dưa hấu xuất xứ từ TP.HCM. Nhiều nhất là trên các tuyến đường Tố Hữu, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Đại lộ Thăng Long… Mỗi kg dưa hấu được các tiểu thương niêm yết giá 8.000 đồng/kg dưa loại 2 và 10.000 đồng/kg dưa loại 1.
Rất nhiều điểm bán dưa hấu trên thị trường Hà Nội niêm yết 1 mức giá là 10.000 đồng/kg dưa loại 1 và 8.000 đồng/kg dưa loại 2. |
Chia sẻ của một số tiểu thương, năm nay miền Trung và miền Nam được mùa dưa hấu. Do giá dưa rẻ nên hầu hết người mua cũng không mặc cả. Với mức giá bán này người kinh doanh đã có lãi sau khi trừ các loại thuế, phí.
Tuy nhiên, tại một số siêu thị, dưa hấu vẫn đang bán dưa với mức giá khá cao so với thị trường. Cụ thể, tại siêu thị Co.opmart, dưa hấu được bán với giá 23.500 và 23.900 đồng/kg. Tại siêu thị Metro, dưa hấu được dao động ở mức giá 19.900 - 21.000 đồng/kg (chưa kể thuế VAT), siêu thị FiviMart, dưa có giá 27.000 đồng/kg.
Siêu thị Metro bán dưa hấu từ 19.900-21.000 đồng/kg. |
Siêu thị Fivimart bán dưa hấu với giá 27.000 đồng/kg. |
Như vậy, so với thị trường tự do, giá bán dưa trong các siêu thị hiện nay đều cao hơn 2 lần giá bên ngoài. Đây là điều khó có thể chấp nhận khi hệ thống các siêu thị ngoài mục đích đầu tư kinh doanh còn có vai trò giúp các cơ quan chức năng nhà nước thực hiện bình ổn giá thị trường. Trong khi đó, người nông dân sản xuất nông sản vẫn đang đơn độc tìm đầu ra cho sản phẩm, chịu cảnh "được mùa, mất giá".
Việc nông dân sản xuất ra nông sản nhưng bị ép giá đối nghịch với người tiêu thụ phải mua nông sản với giá quá cao trên thị trường chính là sự đứt gãy trong việc kết nối giữa người tiêu dùng với người sản xuất.
Việc được mùa mất giá liên tục diễn ra với nhiều loại nông sản trong nhiều năm qua, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần vào cuộc để có tìm ra những cơ chế chính sách xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản cho nông dân qua các trung tâm thương mại, tránh để để những chuyến xe bán nông sản nghĩa tình tái diễn từ mùa này qua năm khác.