Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc giảm mạnh. Cụ thể, tại tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ giá heo cùng giảm mạnh 6.000 đồng/kg xuống 75.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên giá heo cũng đồng loạt giảm 3.000 đồng/kg xuống lần lượt là 78.000 đồng/kg và 79.000 đồng/kg. Tỉnh Thái Bình giá heo đang ở mức cao nhất toàn miền 84.000 đồng/kg. Tại các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang giá heo dao động từ 80.000 - 83.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay tiếp tục đi ngang. Cụ thể, các địa phương như Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Định, Hà Tĩnh giá heo hôm nay không thay đổi dao động trong khoảng từ 80.000 - 83.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Đak Lak giá heo hôm nay đang ở mức thấp nhất toàn miền 75.000 đồng/kg.
Tương tự với miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam cũng ghi nhận giảm. Cụ thể, tại Tiền Giang, Cần Thơ giá heo hơi đồng loạt giảm 3.000 đồng/kg xuống lần lượt mức giá là 75.000 đồng/kg và 76.000 đồng/kg. Bạc Liêu, Sóc Trăng đạt giá 78.000 đồng/kg sau khi giảm 2.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Nai, Vũng Tàu giá heo dao động từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Còn tại An Giang, Kiên Giang, Bến Tre giá heo đang được thu mua với mức thấp hơn 76.000 - 79.000 đồng/kg.
Dự báo giá heo hơi ngày mai 18/2: Đồng loạt giảm.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, trước Tết, giá lợn hơi có thời điểm hơn 90.000 đồng/kg, tuy nhiên, để chia sẻ với người chăn nuôi, người tiêu dùng, C.P vẫn giữ giá không quá 85.000 đồng/kg.
Theo ông Tuấn, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, trong vòng một tháng, C.P đã chủ động giảm giá lợn từ 85.000 đồng/kg xuống 78.000 đồng/kg. Mới đây nhất, CP cũng tiếp tục giảm 3.000 đồng/kg xuống 75.000 đồng/kg (lợn lai 3 máu) và 73.000 đồng/kg (lợn đực lai hai máu).
“Việc C.P quyết định giảm giá lợn không phải do sợ thanh tra tra gì, vì các hoạt động của C.P Việt Nam đều công khai, minh bạch. Bản thân C.P Việt Nam cũng không mong muốn giá lợn hơi trong nước quá cao bởi sẽ tạo ra sự bất ổn”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo C.P cũng cho biết, hiện tập đoàn cơ bản phục hồi được đàn lợn nái so với lúc trước dịch tả lợn châu Phi và tăng khoảng 5% so với năm cùng thời điểm 2019, với khoảng 331.000 lợn nái. C.P hiện cung cấp ra thị trường khoảng 17.000 con lợn thịt mỗi ngày.
Tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, nhằm chia sẻ với người tiêu dùng, và hướng đến mức giá bình ổn theo chỉ đạo của Chính phủ, Dabaco đã chủ động giảm giá lợn hơi còn trung bình chỉ 74.000-75.000 đồng/kg.
Theo tính toán của ông So, hiện giá thành lợn trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây như hiện nay trên dưới 55.000 đồng/kg, chứ không phải “ba mấy, bốn nghìn đồng như mọi người nói”.
Bởi, nếu 1 con lợn đạt 1 tạ xuất chuồng, tiền giống đã 1,2 triệu đồng/con (giá do tập đoàn cung cấp, giá ngoài còn cao hơn), thức ăn 2,6 triệu đồng, các loại thuốc thú y hết 1,6 triệu đồng, tiền thuê nhân công 0,7 triệu đồng, chưa kể quá trình nuôi hao hụt đàn khoảng 5%.
Theo ông So, dịch tả lợn châu Phi cũng khiến Dabaco thiệt hại khoảng 20% tổng đàn, thậm chí có trại lợn giống ở Hà Nam bị “xóa sổ”. Tuy nhiên, hiện tổng đàn nái của Dabaco khôi phục và đạt khoảng 60.000 con. Con số trên tăng 5% so với thời điểm trước khi có dịch.
Làm việc với các doanh nghiệp trên, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các doanh nghiệp đầu tàu giảm giá lợn đã chia sẻ kịp thời với Chính phủ, với người tiêu dùng, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của ngành, cũng như bản thân các doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, việc giá lợn hơi quá cao không chỉ ảnh hưởng xấu tới chỉ số lạm phát, mà còn hệ lụy tới nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nguy cớ người tiêu dùng “quay lưng”, người chăn nuôi vào đàn ồ ạt, đến lợn què cũng nuôi dẫn đến mất kiểm soát về cung cầu, dịch bệnh.
“Muốn người tiêu dùng ăn nhiều thì phải ăn rẻ, ăn với giá vừa phải. Do vậy, ông sản xuất và người tiêu dùng phải gặp nhau ở mức giá hợp lý”, ông Cường nói.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã phát đi cảnh báo các DN lớn như C.P, Dabaco… “neo” giá lợn cao trong thời gian dài và “không chịu” giảm, đồng thời đề nghị tuần tới, các DN này cần điều chỉnh giá về mức giá hợp lý khoảng 75.000 đồng/kg hơi.