Cửa hàng phân phối xăng E5 thuộc hệ thống Petrolimex Sài Gòn. Ảnh: Petrolimex khu vực 2 |
Mức tiêu thụ xăng E5 còn thấp
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về nguồn cung cấp xăng E5 thì tổng lượng xăng E5 bán ra trên toàn bộ các địa phương có kinh doanh xăng sinh học từ tháng 12-2015 đến hết tháng 10-2016 là 630.876 m3, chiếm khoảng 12,15% so với tổng lượng xăng khoáng RON 92 và chiếm khoảng 9,21% so với tổng lượng xăng khoáng.
Do tỷ lệ bán xăng E5 mới chỉ chiếm hơn 9% trên tổng lượng xăng khoáng (bao gồm xăng RON 92 và RON 95) bán trên thị trường nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa phải lo về nguồn cung. Tuy nhiên, khi đến thời điểm toàn bộ các cửa hàng xăng dầu phải chuyển qua bán xăng E5 RON 92 thay cho xăng khoáng RON 92 vào đầu năm 2018 thì nguồn cung có thể bị thiếu nếu không tăng so với hiện nay.
Nguồn cung hiện tại chỉ còn duy nhất nhà máy sản xuất nguyên liệu chế biến xăng sinh học Tùng Lâm; các nhà máy khác đều trong tình trạng ngừng hoạt động. Công ty TNHH Tùng Lâm đang là doanh nghiệp cung cấp chủ yếu lượng Ethanol 100 (E100) phục vụ cho việc phối trộn nhiên liệu sinh học cho các đầu mối xăng dầu trên cả nước. Năng lực sản xuất theo thiết kế của công ty vào khoảng 200.000 m3 E100/năm nhưng thời gian qua mới chỉ tiêu thụ hết khoảng 15% công suất thiết kế.
Theo kế hoạch dự kiến của các tổng công ty kinh doanh xăng dầu thì một số nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học như nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất (Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung), nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước… sẽ trở lại hoạt động vào cuối năm nay. Công suất của các nhà máy này sẽ góp phần tăng thêm nguồn cung cấp E100 cho các doanh nghiệp đầu mối có hệ thống phối trộn nhiên liệu, chế biến thành phẩm xăng E5 (từ nguồn E100).
Ngày 15-9, theo nội dung Quyết định số 25 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Licogi 16, công ty đã thống nhất việc vận hành trở lại nhà máy Ethanol Bình Phước để phục vụ sản xuất cho Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF). Công ty Licogi 16 cũng sẽ tham gia thi công những công việc hoán cải, sửa chữa giai đoạn 1 nhằm đưa nhà máy này đi vào hoạt động.
Hiện tại, Công ty cổ phần Licogi 16 đang nắm giữ 22% cổ phần của nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và số cổ phần này trước đây do Công ty PVOil chuyển nhượng cho Licogi 16 (từ năm 2010). Dự kiến, Licogi 16 cũng sẽ góp thêm vốn để cho nhà máy này trở lại hoạt động bình thường vào cuối năm nay.
Nếu cả hai nhà máy Ethanol Dung Quất và Bình Phước trở lại hoạt động thì lượng nhiên liệu sinh học cung cấp ra thị trường sẽ đạt mức 200.000 m3 ethanol/năm (nếu hoạt động hết công suất). Cùng với nhà máy Ethanol Tùng Lâm thì nguồn cung E100 cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ có sự đảm bảo hơn trước.
Tăng cường dây chuyền phối trộn
Ngoài việc tăng nguồn cung E100, các doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex, PVOil… còn phải tăng cường các hệ thống phối trộn nhiên liệu sinh học để cung cấp xăng E5 cho các cửa hàng bán lẻ. Đồng thời, các tổng công ty xăng dầu phải tăng cường việc yêu cầu các công ty thành viên, đại lý… chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để sẵn sàng tiến hành bán xăng E5 RON 92 từ đầu năm sau.
Ngày 11-9, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ban hành văn bản số 1200/PLX-KTXD về việc từ ngày 1-1-2018, Petrolimex sẽ triển khai kinh doanh xăng E5 RON 92 trên toàn hệ thống phân phối, thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 trên toàn quốc.
Theo yêu cầu từ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu có thể chọn lựa phương án là bán đồng thời cả hai mặt hàng là xăng khoáng RON 95 và xăng E5 RON 92, hoặc chỉ kinh doanh một trong hai loại xăng khoáng RON 95 hoặc xăng E5 RON 92.
Đây cũng là một yêu cầu đặt ra từ một số doanh nghiệp đầu mối đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; từ đầu năm 2018 sẽ bắt buộc phải có trụ bơm xăng E5 RON 92; tại cửa hàng xăng dầu có thể bán song song hai loại xăng khoáng RON 95 và xăng E5 RON 92.
Trên thị trường đang có 5 đầu mối kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp lớn đang khai thác các trạm trộn xăng E5, bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty TNHH MTV–Tổng công ty Xăng dầu quân đội (MIPE Corp), Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro).
Các doanh nghiệp đầu mối cũng đang tăng cường nâng cấp, tăng thêm công suất của các trạm phối trộn nhiên liệu sinh học hiện có, mở rộng hình thức phối trộn bao gồm in-line (phối trộn trên đường ống dẫn xăng vào xe bồn chở xăng) hoặc in-tank (phối trộn ngay tại bồn chứa xăng). Các trạm phối trộn nhiên liệu hiện đang có mặt ở các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ...
Hiện tại, Petrolmex đã tăng cường đầu tư hệ thống phối trộn ở Hà Nội và TPHCM cho cả hai hình thức in-line và in-tank. Còn PVOil vẫn đang nâng cấp, cải tạo, tăng công suất các trạm phối trộn hiện có ở các địa phương để có thể tăng cường nguồn cung xăng E5 RON 92.
Điểm khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp đầu mối là việc tăng nhanh số lượng các điểm bán xăng E5 RON 92. Đối với các cửa hàng tư nhân, đại lý đang lấy xăng từ các doanh nghiệp đầu mối, việc thuyết phục họ chuyển qua bán xăng sinh học đang gặp khó khăn. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu mối cũng sẽ phải đầu tư chi phí chuyển đổi, súc rửa trụ bơm, bồn chứa xăng khoáng… mới có thể chuyển sang bán xăng E5 RON 92.
Theo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (văn bản số 255/TB-VPCP, ngày 6-6-2017), cho phép tồn tại hai loại xăng khoáng RON 92 và E5 RON 92 cho đến hết ngày 31-12-2017. Kể từ ngày 1-1-2018 chỉ cho phép sản xuất và kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95; giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường… |