Đây là nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đặt ra trong năm 2021.
Hàng Việt chiếm ưu thế
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, tại các siêu thị, hàng Việt chiếm hơn 90% lượng hàng hóa cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống siêu thị Hapro, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo… của Việt Nam sản xuất chiếm tỷ lệ khá cao, hơn hẳn mọi năm. Tương tự, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trên 90% hàng hóa bày bán tại hệ thống siêu thị này là hàng Việt, đặc biệt có đến 95% sản phẩm bánh kẹo được cung cấp từ các DN uy tín.
Hội chợ hàng Việt được tổ chức tại thị xã Sơn Tây tháng 11/2020. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo đánh giá của người tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều nhãn hàng có tên tuổi của Việt Nam như: Bánh kẹo Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, Vinacafe… được lựa chọn mua nhiều. Bên cạnh đó, những thông tin về bánh kẹo ngoại bị tráo ruột, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc… xuất hiện trên thị trường đã khiến người tiêu dùng hạn chế mua hàng ngoại, quay về dùng hàng Việt.
Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2020, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu cho TP các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, làng nghề... Về phía DN, cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá.
Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ
Thực tế triển khai Cuộc vận động cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, vẫn còn một số đơn vị, sở, ngành chưa chủ động quan tâm triển khai. Cụ thể, một số đơn vị chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm; chưa có sự liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng, dẫn đến uy tín, chỗ đứng hàng Việt trong lòng người tiêu dùng chưa cao như mong muốn. Bản thân các DN cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt chưa được kiểm soát triệt để làm giảm lòng tin của một bộ phận người tiêu dùng.
Nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập mà DN gặp phải trong quá trình triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các đơn vị thành viên tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động đến DN, người tiêu dùng. Tổ chức các chương trình bán hàng Việt về nông thôn. Tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời xây dựng các kênh bán lẻ hàng Việt Nam tại nước ngoài thời kỳ hậu Covid-19.
Đặc biệt các sở, ngành như Tài chính, Công Thương, Thuế... cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho DN hồi phục, phát triển sản xuất.
"Nhằm hỗ trợ DN trong quá trình đưa hàng Việt về nông thôn, chính quyền các quận, huyện cần hỗ trợ DN xác định địa điểm bán hàng; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng đến từng khu dân cư. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kinh doanh, mua sắm." - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương |