Điểm cộng:
- Thiết kế siêu mỏng
- Màu sắc sinh động, độ tương phản và độ sắc nét cao
- Công nghệ HDR tiên tiến
- Phần giá đỡ có thiết kế lôi cuốn
Điểm trừ:
- Cáp dạng dẹt không được thiết kế tốt
- Chế độ TruMotion chưa thực sự tốt
- Thanh loa chưa được như mong đợi
LG W7 OLED là một chiếc tivi đặc biệt, không chỉ ở thiết kế mỏng không tưởng và đẹp mắt, mà còn ở khả năng hiển thị hình ảnh với chất lượng tuyệt vời. Tuy nhiên, để sở hữu chiếc tivi này, bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn. Để sở hữu phiên bản 65inch OLED65W7, số tiền bạn phải trả lên tới xấp xỉ 8.000 USD – tương đương với mức giá của chiếc LG G6 OLED của năm ngoái. Tất nhiên, mức giá của chiếc tivi sẽ giảm xuống ít nhiều trong thời gian tới.
So với các mẫu tivi của năm 2016, LG OLED W7 sở hữu độ sáng và độ tương phản tốt hơn nhờ được trang bị tấm nền mới. Tuy nhiên, chiếc tivi đắt giá này vẫn tồn tại một số điểm trừ đáng tiếc.
Thiết kế
LG OLED W7 sở hữu thiết kế khá hoàn hảo xét trên mọi góc cạnh với điểm nổi bật nhất chính là độ mỏng của nó. Cùng với đó, giá treo của LG OLED W7 cũng rất đặc biệt và ấn tượng, góp phần tạo nên khái niệm “Bức tranh trên tường” trong thiết kế của chiếc tivi này.
Với độ dày chỉ ở mức 2,75mm, LG OLED W7 mỏng hơn bất kì chiếc smartphone nào và chỉ dày hơn một tờ giấy A4 một chút. Đó là những so sánh đơn giản và cụ thể nhất mà chúng tôi có thể mang tới cho các bạn. Khi được gắn lên tường, độ dày tổng thể của chiếc tivi này cũng chỉ tăng lên chút xíu ở mức 3,85 mm. Có thể nói đây là chiếc tivi mỏng nhất và đẹp nhất trên thị trường hiện nay.
Phiên bản 65inch của LG OLED W7 có khối lượng khoảng 8kg (chưa bao gồm giá đỡ). Với phiên bản 77inch, khối lượng có lẽ cũng chỉ tăng thêm 0,5-1kg. Không chỉ mỏng nhất, chiếc tivi này cũng thuộc loại nhẹ nhất hiện nay. Ngoài độ mỏng siêu ấn tượng, LG OLED W cũng khá dẻo và không hề dễ vỡ một chút nào.
Để tiết giảm kích thước của chiếc tivi, LG đã chọn giải pháp là sử dụng thanh loa (soundbar) được gắn ngoài. Đây được coi là một trong những đặc điểm làm nên lợi thế cạnh tranh của W7, cũng như tích hợp các bộ kết nối với màn hình.
Soundbar không chỉ được thiết kế ấn tượng mà còn tích hợp cả công nghệ âm thanh Dolby Atmos tiên tiến. Bên cạnh đó, LG OLED W7 còn được trang bị tới 4 cổng HDMI, 3 cổng USB, một cổng ăng-ten/cáp RF và một vài cổng kết nối khác. LG đa chọn cáp dạng dẹt để kết nối màn hình với phần soundbar, nhưng dường như thiết kế này khá tồi và không thực sự ăn nhập với phần còn lại vốn được thiết kế quá tốt.
Hệ điều hành WebOS 3.5
Không như nhiều hãng sản xuất khác đã bỏ việc phát triển hệ điều hành độc quyền và thay vào đó chọn bên thứ ba để phụ trách mảng này, LG vẫn trung thành với hệ điều hành “cây nhà lá vườn” WebOS 3.5 của mình. Lý do rất đơn giản bởi vì WebOS 3.5 là một hệ điều hành cực kỳ linh hoạt, dễ sử dụng và cho phép người dùng tìm kiếm nhanh chóng các nội dung theo nhu cầu nhờ chức năng tìm kiếm vô cùng ưu việt.
Có rất nhiều nguồn nội dung để người dùng có thể lựa chọn, bao gồm Amazon, Netflix, Youtube, Google Play Movies… Và nếu bạn không thể tìm thấy những nội dung mà bạn muốn, bạn có thể dùng tính năng Screencast để kết nối và hiển thị màn hình chiếc điện thoai trên màn hình của LG OLED W7, qua đó tìm kiếm trên điện thoại của mình. Tuy nhiên, các dòng tivi OLED của LG chỉ hỗ trợ điện thoại Android hoặc Windows Phone.
So với phiên bản WebOS 3.0, phiên bản 3.5 được nâng cấp với nền tảng SmartTV mới của LG, bao gồm Magic Link – một dịch vụ gợi ý nội dung của LG; Channel Plus – một bộ sưu tập gồm hơn 70 kênh truyền hình kỹ thuật số miễn phí về nội dung tin tức hoặc thể thao. Tuy nhiên, so với Android TV, các tivi LG chạy WebOS có số lượng ứng dụng hạn chế hơn rất nhiều.
Hiệu năng HD/SDR
Chúng tôi phải thừa nhận rằng hiệu năng HD/SDR của LG OLED W7 không thực sự tốt như chúng tôi mong đợi. Ngay cả với nội dung Full HD, LG OLED W7 cũng không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có một vài vấn đề cần khắc phục trên chiếc tivi này. Đầu tiên là một điểm trừ mà chúng tôi cũng đã phát hiện ra trên chiếc E6 của năm ngoái: các tông màu chủ đạo đôi khi bị xuất hiện các sắc khá lạ. Không chỉ thế, hình ảnh có phần đỏ hơn bình thường hoặc bị sần – điều mà bạn không thường thấy trên một chiếc màn LCD-LED tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể phủ nhận việc hình ảnh trên màn hình này có độ sâu rất tốt, bên cạnh đó là độ sáng của màn hình cũng đã được cải thiện tới 25%, qua đó nó có thể hiển thị tốt cả những nội dung SDR thông thường mà không bỏ sót chi tiết nào.
LG cũng đã trang bị cho các tivi cùng loại tính năng HDR Effect – một chế độ hình ảnh có khả năng tăng độ tương phản của các nội dung HD/SDR. Và trên thực tế, chúng tôi có thể nhận thấy những sự khác biệt khi xem giữa chế độ “cinema mode”- với chế độ HDR Effect. Tuy nhiên, chế độ này vẫn chưa làm cho hình ảnh trở nên lung linh như xem nội dung HDR thật.
Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của các dòng tivi LG là “xử lý chuyển động” vẫn chưa được khắc phục. LG OLED W7 được tích hợp tính năng TruMotion nhằm bổ sung thêm các khung hình, qua đó cải thiện độ mượt mà khi hiển thị các cảnh chuyển động nhanh trong các bộ phim hành động, cũng như các chương trình thể thao. Tuy nhiên, thay vì phát huy công năng của mình, tính năng này lại tạo ra những chuyển động thiếu tự nhiên và nên được tắt đi ngay lập tức.
Một điểm trừ nho nhỏ nữa là việc LG OLED W7 không hỗ trợ nội dung 3D. Tuy nhiên, có một sự thật là công nghệ này đang dần bị “quên lãng” và LG cũng không tích hợp tính năng này lên bất kì chiếc tivi nào được sản xuất trong năm nay.
Hiệu năng 4K/HDR
LG OLED W7 được tích hợp cả 2 công nghệ tiên tiến là HDR10 và Dolby Vision, cũng như HLG (Hybrid Log Gamma). Chúng tôi đã rất ấn tượng với các nội dung tương ứng với hai chuẩn công nghệ này. Tuy nhiên, nội dung Dolby Vision có phần sắc nét hơn so với nội dung sử dụng công nghệ HDR. LG OLED W7 cũng được LG tích hợp thêm một tính năng mới giúp chiếc tivi có thể nhận diện được loại nội dung đang được hiển thị. Nhìn chung, các công nghệ mới đã giúp tạo ra chất lượng hiển thị đáng kinh ngạc trên chiếc tivi này.
Một phần của sự thành công này là nhờ việc độ sáng đã được cải thiện thêm 25% nhưng chủ yếu là nhờ bộ xử lý hình ảnh rất mạnh được trang bị cho LG OLED W7 cũng như khả năng cải thiện độ tương phản và độ sâu của các mảng tối – thế mạnh của những chiếc tivi màn hình OLED.
Âm thanh
Nhờ được trang bị công nghệ âm thanh Dolby Atmost, LG OLED W7 cho chất lượng âm thanh khá tốt, khá tròn vành, kể cả ở mức âm lượng qua nhất. Đây được coi là một giải pháp khá thông minh, nhưng không thể phủ nhận rằng chất âm của chiếc loa này không thực sự đúng chát Dolby Atmos. Dù sao, so với các giải pháp truyền thống, thanh loa Dolby Atmos của LG OLED W7 vẫn tạo ra đôi chút sự khác biệt, mặc dù không thực sự ấn tượng.
Đối thủ trực tiếp
Những đối thủ được coi là tiềm năng nhất của LG OLED W7 chính là Sony Bravia A1E OLED cũng như mẫu Philips 901F OLED. Ngoài ra, nếu bạn muốn tiết kiệm thêm một khoản tiền nhỏ và vẫn muốn gắn bó với một chiếc tivi LG thì C7 có lẽ cũng có thể trở thành đối trọng của W7. . Tuy nhiên, so với W7, LG C7 không được trang bị soundbar ngoài Dolby Atmos, thua kém về hiệu năng hiển thị và đặc biệt là C7 thua xa người anh em W7 về mặt thiết kế.
Kết luận
Có rất nhiều thứ để bạn có thể yêu thích LG OLED W7. Đó là thiết kế cao cấp, ấn tượng với độ mỏng không tưởng. Bên cạnh đó, nó còn sở hữu soundbar ngoài Dolby Atmost (mặc dù chất lượng không được như kỳ vọng) cũng như hỗ trợ nhiều nền tảng HDR cũng như hệ điều hành WebOS 3.5 khá ưu việt. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu trong việc xử lý các chuyển động cũng như mức giá khá cao có thể sẽ khiến bạn phải đắn đo rất nhiều nếu muốn sở hữu chiêc tivi này.