Quá trình điều tra đã đi được hơn một nửa chặng đường theo thời hạn dự kiến luật định (4/6 tháng).
Mặc dù được coi là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước, song nhiều DN lại cho rằng, trong quá trình điều tra và xem xét vụ việc, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần phải đối chiếu với các quy định của WTO cũng như luật trong nước trước khi có quyết định vụ việc có đủ điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ hay không.
Gia tăng ổn định và đều có thể dự báo
Tự vệ là một trong ba biện pháp Phòng vệ Thương mại được WTO quy định các nguyên tắc về thủ tục trình tự, nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp này trong khuôn khổ cụ thể, tránh tối đa việc lạm dụng. Đây là biện pháp duy nhất được áp dụng trên hành vi cạnh tranh công bằng của các quốc gia khác, nhằm mục đích bảo hộ ngành sản xuất trong nước, với điều kiện là phải phù hợp với các nguyên tắc của WTO và pháp luật quốc gia về tự vệ.
Sản xuất tấm lợp, panel kim loại tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Trần Việt |
Theo Luật sư Phạm Bích - Công ty Luật ATIM, căn cứ khoản 1 Điều 2 của Hiệp định tự vệ của WTO, một trong các điều kiện cần thiết để áp dụng biện pháp tự vệ với hàng hóa nhập khẩu là việc cho thấy có sự gia tăng đột biến cả về tuyệt đối và tương đối của hàng hóa đó. Phù hợp với quy định trên, căn cứ khoản 1 Điều 6 của Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và Điều 1 của Hiệp định tự vệ yêu cầu việc áp dụng biện pháp tự vệ phải phù hợp với Điều XIX của Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch 1994 (GATT 1994) cũng đã nêu rõ. Theo đó, nước áp dụng tự vệ thương mại phải có nghĩa vụ chứng minh được: Có sự gia tăng đột biến cả về tương đối tuyệt đối của hàng nhập khẩu; Và sự gia tăng nhập khẩu phải là kết quả của những biến động không lường trước (unforeseen developments).
Dẫn chứng cụ thể, Luật sư Phạm Bích đề cập, Cơ quan phúc thẩm WTO từng giải thích khoản 1 Điều 2 của Hiệp định tự vệ yêu cầu “sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu phải diễn ra đủ gần, đủ đột ngột, đủ mạnh mẽ và đủ quan trọng, cả về tương đối và tuyệt đối…”. Tuy nhiên, đối chiếu với số liệu thống kê (theo Đơn kiến nghị áp dụng biện pháp tự vệ, bản công khai) so sánh khối lượng của tôn màu nhập khẩu năm 2014 và 2015 với năm 2013 cho thấy sự gia tăng ổn định về khối lượng của hàng nhập khẩu với tỷ lệ gia tăng là 55% từ năm 2013 đến 2014 và 54% từ năm 2014 đến năm 2015. Phân tích kỹ có thể thấy tỷ lệ gia tăng hàng hóa nhập khẩu của năm 2015 so với 2014 thấp hơn tỷ lệ gia tăng của năm 2014 so với 2013. Trong khi đó, lượng cầu hàng hóa đối với mặt hàng tôn màu tại thị trường Việt Nam vẫn luôn có xu hướng tăng không có dấu hiệu suy giảm trong giai đoạn 2013 - 2015. Cụ thể, theo thông tin của bên nguyên đơn, lượng hàng hóa tôn màu tiêu thụ năm 2015 tăng 17,13% so với năm 2014. “Do đó, cần đánh giá mức độ gia tăng nêu trên trong bối cảnh nhu cầu tăng có thể được coi là đột biến và quan trọng hay không?” – Luật sư Phạm Bích nêu ý kiến.
Để chứng minh sự gia tăng sản phẩm tôn màu nhập khẩu có phải là diễn biến không lường trước được, Cơ quan Phúc thẩm WTO cũng giải thích rõ, diễn biến không lường trước là việc xảy ra sau khi các nhà đàm phán của quốc gia ký kết các cam kết nhượng bộ thuế quan, mà tại thời điểm ký kết, họ không thể dự đoán được/không có cơ sở hợp lý để họ dự đoán được diễn biến đó sẽ có thể xảy ra. Trong khi, thực tế là sự gia tăng nhập khẩu mặt hàng tôn mạ màu trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2015, từ Trung Quốc vào Việt Nam là hoàn toàn có thể dự đoán được. Thực hiện Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam đã cắt giảm dần thuế nhập khẩu với mặt hàng tôn mạ màu theo thời gian, từ 3% năm 2013, 2014 xuống 0% năm 2015. Trong phần kết luận của Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc, được sửa đổi năm 2006, Việt Nam đã hoàn toàn ý thức được về lộ trình của việc tự do thuế quan, tiến tới giảm mức thuế nhập khẩu cho các hàng hóa này xuống còn 0% vào năm 2015, và hoàn toàn có thể dự tính trước được sự gia tăng của tôn mạ màu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Rất cần sự thận trọng
Từ những phân tích trên cho thấy, mặc dù pháp luật Việt Nam chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên, với các quy định cụ thể của Hiệp định tự vệ và giải thích của WTO trong các vụ việc tiền lệ, nguyên đơn và cơ quan điều tra vẫn cần chỉ rõ được yếu tố ảnh hưởng và gây ra việc gia tăng tôn màu nhập khẩu trong giai đoạn này mà tại thời điểm ký kết các cam kết quốc tế nhằm tránh bị kiện khi quyết định áp dụng biện pháp tự vệ, đảm bảo phù hợp với nguyen tắc và quy định WTO.
Ngoài các điều kiện tiên quyết trên đây, để áp dụng được biện pháp tự vệ, nguyên đơn và cơ quan điều tra vụ việc còn phải xác định, chứng minh được thiệt hại của ngành sản xuất tôn màu trong nước và mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa các thiệt hại này với sự gia tăng “đột biến, không lường trước được” của tôn màu nhập khẩu. Bởi căn cứ theo khoản 2, Điều 2, Hiệp định tự vệ cũng như khoản 2, Điều 6 của Pháp lệnh 42 thì, việc gia tăng nhập khẩu tương đối hay tuyệt đối đó phải có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa sản xuất ra các sản phẩm tương tự hoặc các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp. Nếu căn cứ trên kết quả kinh doanh của các DN sản xuất tôn mạ hàng đầu Việt Nam hiện nay như Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim…, được công khai trên các website của chính các DN và sàn giao dịch chứng khoán nơi các công ty này niêm yết thì dường như ngành sản xuất tôn mạ mầu đang có kết quả kinh doanh rất khả quan, đặc biệt trong năm 2015 và 2016 gần đây. Vì vậy, đây cũng là những thông tin đòi hỏi sự đánh giá và xem xét khách quan, cẩn trọng của Bộ Công Thương nhằm tránh các rủi ro khi áp dụng các biện pháp tự vệ trong thời gian tới.