Sau khi áp dụng biện pháp CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan, đường Thái Lan có dấu hiệu về việc lẩn tránh biện pháp PVTM qua 5 nước ASEAN. Ảnh: VOV
Trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam. ngày 09/2/2021, Bộ Công Thương đã có Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế CBPG, CTC tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.
Tuy nhiên, theo số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan, lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra CBPG, CTC với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.
Cụ thể, lượng đường xuất xứ từ 5 nước ASEAN nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.
Ngay sau khi có thông tin lượng đường nhập khẩu từ một số nước ASEAN (ngoài Thái Lan) có dấu hiệu gia tăng, Cục Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương đã chủ động tham vấn, hỗ trợ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng như ngành sản xuất đường mía trong nước thu thập thông tin, số liệu, xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM với sản phẩm đường mía.
Hải quan kiểm tra đường nhập khẩu. Ảnh: haiquanonline
Hồ sơ của ngành sản xuất trong nước đã cung cấp một số thông tin, bằng chứng cho thấy đường mía từ Thái Lan có dấu hiệu về việc lẩn tránh biện pháp PVTM qua 5 nước ASEAN nói trên, đặc biệt là lượng nhập khẩu gia tăng đột biến từ 5 nước này.
Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung cáo buộc cũng như điều tra các hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG, CTC.
Bộ Công Thương cũng sẽ thực hiện thẩm tra, xác minh các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc để áp dụng các biện pháp cần thiết theo đúng quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành sản xuất mía đường trong nước và đảm bảo hiệu quả của các biện pháp PVTM.
Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan, cung cấp các thông tin cần thiết tới Bộ Công Thương và theo dõi để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Số liệu từ hải quan cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ Thái lan có giảm nhưng gia tăng nhiều từ các nước Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Ảnh: baodautu.vn